Ngày 24/3, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức hội nghị “Phát triển dịch vụ môi trường rừng bền vững”. Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), tính đến hết năm 2016, tổng số tiền thu được từ dịch vụ môi trường rừng là trên 6.510 tỷ đồng, bình quân đạt trên 1.200 tỷ đồng/năm.
Số tiền chi trả cho các chủ rừng là 5.024 tỷ đồng để các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức quản lý bảo vệ 5,87 triệu hecta rừng, chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc. Các địa phương đã được phép sử dụng gần 385 tỷ đồng để hỗ trợ các chủ rừng xây dựng các công trình lâm sinh phục vụ phát triển rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.Bên cạnh đó, từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại trong giai đoạn 2011 - 2015 đã giảm lần lượt là 32,9% và 58,2% so với giai đoạn 2006 - 2010. Hiện tại đã có hơn 500.000 hộ gia đình, cộng đồng được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng với bình quân cả nước khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng chưa lớn nhưng cũng là nguồn thu quan trọng cho các hộ gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, đến nay, cả nước đã có 42 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng từ T.Ư đến địa phương.Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng của cả nước là 14 triệu hecta. Từ khi thực thiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều người dân đã có thêm nhu nhập từ rừng. Tuy nhiên, bất cập là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn, đa dạng sinh học đang bị suy giảm, hệ sinh thái không còn như trước.
Hơn nữa, tại một số địa phương, người làm rừng, người trồng rừng chưa thực sự sống được từ rừng. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để giải quyết vấn đề này cần sự đồng lòng của cả xã hội theo nguyên tắc “lấy rừng nuôi rừng”, để người trồng rừng, người làm rừng sống được nhờ rừng.