Thu phí tự động không dừng ePass Viettel: Đồng bộ hệ thống, tối ưu hóa dịch vụ

Ngọc Hải - Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thu phí đường bộ tự động không dừng là công cụ ưu việt giúp người tham gia giao thông tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần giảm thiểu UTGT, đồng thời minh bạch tài chính đối với các trạm BOT. Hiện, Việt Nam mới chỉ có hai đơn vị vận hành hệ thống thu phí tự động, một trong số đó là ePass Viettel.

 Viettel triển khai hệ thống trạm thu phí tự động ePass tại các trạm thu phí trên cả nước. Ảnh: Mạnh Dũng
Giảm thời gian qua trạm

Lãnh đạo Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) thuộc Tập đoàn Viettel cho biết, tính đến hết 30/6 đã có hơn 800.000 chủ phương tiện đăng ký sử dụng dịch vụ thu phí không dừng (ePass) do đơn vị cung cấp, chiếm gần một nửa số phương tiện đăng ký dịch vụ trên toàn quốc. Cũng theo thống kê của VDTC, hiện nay đã có 33 trạm thu phí được đưa vào vận hành, vượt trên hợp đồng ký kết với Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
“Trung bình mỗi ngày có xấp xỉ 500.000 xe sử dụng dịch vụ trên 192 làn thu phí đã được lắp đặt. VDTC đặt kỳ vọng đến năm 2023, số lượng lưu trữ và quản lý trên hệ thống sẽ lên đến 1.750.000 phương tiện” - vị này cho hay.

Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 được khởi động hồi cuối tháng 11/2014. Sau 6 năm triển khai, số trạm được đưa vào hoạt động chỉ dừng lại là 35/44 trạm so với dự kiến. Việc triển khai dự án khó khăn đến nỗi, đã có lúc Công ty TNHH VETC (nhà đầu tư dự án thu phí ETC giai đoạn I) đề xuất dừng triển khai dự án.

Tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép Viettel được tham gia giai đoạn 2 đồng thời yêu cầu cán đích dự án trước 31/12/2020. Được khai sinh trong bối cảnh này, chỉ 6 tháng sau đó (29/12/2020) VDTC đã hoàn thành nhiệm vụ tưởng như là “bất khả thi” khi ra mắt hệ thống ePass và đồng loạt triển khai ở 33 trạm thu phí trên cả nước.
Bà Phạm Thu Hường - Trưởng phòng kinh doanh VDTC cho biết, theo ước tính, khi sử dụng hệ thống ePass, người tham gia giao thông giảm thời gian đi qua trạm thu phí khoảng 60 lần so với thu phí bằng cách soát vé thủ công.

Tiếp tục hoàn thiện

Nhiều lái xe đang sử dụng dịch vụ của VDTC cho biết, bên cạnh sự tiện lợi khi lưu thông qua các trạm thu phí, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nhân viên trạm và sử dụng tiền mặt trong thời điểm nguy cơ về dịch bệnh Covid-19 tăng cao thì ePass vẫn còn một số trục trặc khi qua trạm, đôi lúc gây phiền toái. Trong đó chủ yếu là lỗi không nhận diện thẻ dẫn đến tình trạng tài xế phải dừng lại trình bày, gây ùn tắc cho các xe cùng chiều.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Quý - Trưởng trạm thu phí Nam Cầu Giẽ cho hay, lỗi nhận diện chủ yếu xuất phát từ việc thẻ được dán không đúng vị trí hoặc bị lệch, nhân viên trạm sẽ hỗ trợ khách hàng ngay tại chỗ. Cũng có trường hợp do tài xế chưa thực hiện thao tác kết nối tài khoản thanh toán, “Hiện tại chúng tôi đang có công cụ thao tác kiểm tra các tài khoản giao thông, Viettel Pay của khách hàng. Nếu số dư đủ thanh toán thì xe vẫn được đi qua và tiến hành trừ sau” - ông Nguyễn Ngọc Quý nói.

Bên cạnh những lý do khách quan nêu trên, vấn đề đồng bộ công nghệ cũng là bài toán mà VDTC đang rốt ráo giải quyết. Hiện nay, ngoài các trạm do VEDC và ePass đầu tư hoàn toàn hệ thống nhận diện và hệ thống tính cước thì tại một số trạm thu phí, hệ thống ETC là do đơn vị BOT tự đầu tư nhưng hiệu quả tương tác với thẻ không tốt nên thường xuyên xảy ra lỗi nhận diện. Theo VDTC, tỷ lệ phản ánh trục trặc cao diễn ra ở một số trạm trên các tuyến cao tốc: Tân Lập, Bù Nho (Bình Dương), Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ trong khi đi qua nơi khác lại bình thường. Ngoài nguyên nhân về nhận diện, mặt đường không bằng phẳng cũng khiến thiết bị đọc sóng bị hạn chế.

“Với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, hệ thống của ePass thường xuyên nâng cấp để nâng cao trải nghiệm của khách hàng mỗi ngày. Đồng thời chúng tôi cũng luôn lắng nghe mọi phản ánh, đóng góp để hoàn thiện hệ thống trong thời gian sớm nhất” - bà Phạm Thu Hường khẳng định.
VDTC mong muốn và luôn nỗ lực để phát triển và cung cấp hệ sinh thái các sản phẩm giao thông số, góp phần hiện đại hóa nền giao thông quốc gia, bắt kịp xu hướng về chuyển dịch về công nghệ, giao thông trên thế giới và khu vực.

Trưởng phòng kinh doanh VDTC Phạm Thu Hường