Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thử thách nhỏ giữa đồng minh lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp, mối quan hệ đồng minh truyền thống hay kiểu mới mà Mỹ đã dày công gây dựng đã chịu không ít tác động.

Tại Washington, chuyến thăm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không chỉ châm ngòi cho một cuộc đối đầu trên chính trường nước Mỹ mà còn làm rạn nứt mối quan hệ đồng minh thân cận lâu năm giữa hai nước. Trước đó, mối quan hệ Mỹ - Israel đang ở mức thấp nhất vì bất đồng liên quan đến đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 và bài phát biểu trước Quốc hội của ông Netanyahu phản đối một thỏa thuận hạt nhân với Tehran không khác gì một gáo nước lạnh vào chính quyền Tổng thống Obama.

Yếu tố đối đầu giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa trong hoàn cảnh này là một yếu tố làm “sứt mẻ” quan hệ đồng minh được bồi đắp suốt nhiều năm qua giữa Mỹ - Israel. Vì vậy, dù mối quan tâm, lợi ích chiến lược giữa hai nước  về cơ bản không thay đổi nhưng mong muốn gây ấn tượng trước cuộc bầu cử vào ngày 17/3 của ông Netanyahu đang đi ngược lại hy vọng thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân với Iran như một phần trong di sản cầm quyền của ông Obama chắc chắn sẽ tạo ra khoảng trống nhất định trong mối quan hệ đồng minh này.

 
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trong cuộc họp chung của Quốc hội tại Washington. 	Ảnh: AP
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trong cuộc họp chung của Quốc hội tại Washington. Ảnh: AP
Trong khi đó, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn cũng chịu không ít tác động sau vụ Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc bị tấn công bằng dao hôm 5/3. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhấn mạnh đây không chỉ là một vụ tấn công đơn thuần vào Đại sứ Mark Lippert mà là một vụ tấn công vào liên minh Mỹ - Hàn. Vụ việc cho thấy, trong nội bộ Hàn Quốc vẫn có một số người không hài lòng với các chương trình hợp tác về quân sự với đồng minh Mỹ. Các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn thường niên luôn khiến tình hình trên bán đảo này “căng như dây đàn”, và nhiều người nhận định là một trong những yếu tố làm đổ vỡ kế hoạch đoàn tụ liên Triều.

Mặc dù quan chức cấp cao của Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định, hai nước sẽ tiếp tục kiên định con đường phát triển mối quan hệ đồng minh chiến lược toàn diện sau sự cố Đại sứ Mỹ bị tấn công, nhưng những gì đã diễn ra cho thấy mọi việc đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Màn đổ lỗi lẫn nhau giữa cơ quan chức năng Hàn Quốc và lực lượng an ninh Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ cho Đại sứ hay việc Triều Tiên lập tức “đổ thêm dầu vào lửa” và phần thứ nhất của cuộc diễn tập “Giải pháp then chốt” đã phải kết thúc sớm hơn một ngày so với kế hoạch đã phản ánh những sứt mẻ nhất định trong quan hệ song phương. Tất nhiên, quan hệ Mỹ - Hàn đã trải qua không ít những thăng trầm trong quá khứ và vụ tấn công lần này có thể coi là một thử thách mà hai đồng minh cần nhiều thời gian và nỗ lực để vượt qua.