Những biện dẫn lỗi thời
Tranh luận về vấn đề tác quyền, ngay trong giới nhạc sĩ cũng có 2 quan điểm. Người nói VCPMC đúng, kẻ bảo sai. Người cho rằng trong bối cảnh nhà nhà muốn "xài chùa" tác phẩm âm nhạc, thu về bao nhiêu quý bấy nhiêu. Nhưng cũng không ít nhạc sĩ bất bình với kiểu làm ăn thiếu công bằng và sòng phẳng của VCPMC.
Ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong liveshow tại Hà Nội tối 2/8.
|
"Từ trước tới nay, VCPMC luôn tồn tại 2 cách tính tác quyền. Với các đơn vị Nhà nước, Trung tâm xưa nay đều tính theo bài. Ví dụ, trong chương trình "Dư âm" diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 2013, Trung tâm ký với Nhà hát 500.000 đồng/bài cho 17 ca khúc sử dụng trong chương trình. Nhưng đến chương trình bán vé giá cao là Trung tâm chuyển sang cách thu phí theo doanh thu như ở chương trình Khánh Ly vừa rồi" - NSND Trần Bình chia sẻ. Cùng quan điểm này, ông Hải Thụy - Giám đốc Công ty giải trí Thụy Nguyễn cho biết: "Thông thường khi tổ chức các show ca nhạc ở tỉnh, đơn vị tổ chức đóng tiền bản quyền cho các Sở VHTT&DL với mức giá đã được niêm yết 250.000 đồng/ca khúc. Còn đối với các chương trình ở Hà Nội, VCPMC luôn đưa ra các mức giá khác nhau, tự ấn định tỷ lệ phần trăm giữ lại không thỏa đáng nên chúng tôi chưa bao giờ đóng tiền thông qua họ".
Tính pháp lý mà VCMPC đang viện dẫn cho cách thu của mình là Nghị định 61/2002/NĐ-CP. Nghị định này quy định các đơn vị tổ chức biểu diễn phải trích khoảng 15 - 21% doanh thu của 65 - 70% tổng số tiền bán vé để trả cho tất cả tác giả. Nghị định này được ban hành căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 1995, trong khi Bộ luật này đã hết hiệu lực gần 10 năm và đã được thay thế bằng Bộ luật Dân sự năm 2005. Nhưng vì chưa có văn bản nào thay thế hoặc bãi bỏ Nghị định này nên trên thực tế, nó vẫn được áp dụng. Song, dù được áp dụng nhưng Nghị định này không còn phù hợp với thực tế, đặc biệt là đặc thù tổ chức và sản xuất các chương trình âm nhạc ở Việt Nam. Và đặc biệt, ở mỗi chương trình, VCPMC lại áp dụng Nghị định theo một cách khác nhau.
Nên học nước ngoài
Cơ chế thu tác quyền âm nhạc ở nước ngoài quy định rõ ràng hơn, đôi khi cũng mang tính thỏa thuận, song không theo kiểu cảm tính như ở Việt Nam. Ví như ở Pháp có Công ty SACEM do các nhà sáng tác và nhà xuất bản âm nhạc điều hành. Nhiệm vụ chủ yếu của công ty này là thu phí tác quyền tại Pháp, phân chia lại cho những người sáng tác tại Pháp và trên thế giới. Trong quy định thu phí tác quyền của mình, SACEM đưa bảng giá cụ thể đối với từng hình thức tổ chức sự kiện, như dạ hội, khiêu vũ, liveshow... Đồng thời, SACEM chấp nhận hình thức chiết khấu 20% nếu đơn vị tổ chức chi trả trước đêm diễn. Sự minh bạch, rõ ràng trong hình thức thu chi đã giúp SACEM bảo hộ thành công hơn 80 triệu tác phẩm âm nhạc trên toàn thế giới.
Cùng với SACEM ở Pháp còn có SACD, ở Đức có GEMA. Đây đều là những tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận, bảo vệ các tác giả âm nhạc. Ngoài việc thu tác quyền, các tổ chức này còn có nhiệm vụ bảo vệ tác phẩm khi có tranh kiện. Rồi đến Mỹ cũng quy định rất rõ ràng, một tác phẩm ra đời được bán bản quyền cho một hãng thu âm hoặc nhà sản xuất nào đó, người khác dùng không phải xin phép nữa mà cứ thế trả tiền theo quy định. Hầu hết các tổ chức bảo vệ quyền âm nhạc ở nước ngoài đều đưa ra các mức giá cụ thể cho từng loại hình tác phẩm, không mang tính thỏa thuận theo từng trường hợp như kiểu VCPMC ở Việt Nam.
Đây không phải lần đầu vấn đề thu tác quyền âm nhạc của VCPMC bị dư luận "mổ xẻ", mà đã diễn ra nhiều năm, nhưng chưa có hồi kết. Bởi người dùng luôn muốn giá rẻ, đơn vị thu tiền luôn muốn doanh thu cao. Song rõ ràng khi vấn đề tác quyền còn rắc rối, thì rất cần những sửa đổi cụ thể của Nghị định để không còn mất công tranh cãi như hiện nay.