Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: “Không trúng tuyển NV1 không có nghĩa trượt đại học!”

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nếu thí sinh đã thực hiện đăng ký xét tuyển phù hợp thì chắc chắn trúng tuyển các nguyện vọng (NV) khác” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định chiều nay (3/8).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga giải thích, năm nay, do thí sinh (TS) không giới hạn số NV nên hầu như các em có điểm cao đều đăng ký vào các ngành quân đội, công an trong khi chỉ tiêu lại giảm làm tăng điểm chuẩn. Bởi vậy, dẫn đến một số ít TS có điểm thi cao không trúng tuyển NV1.
Thí sinh đang tìm hiểu ngành đào tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Theo ông Ga, quy chế tuyển sinh quy định, NV của thí sinh được xét bình đẳng như nhau. Vì thế, nếu không trúng tuyển NV cao thì các em sẽ được xét NV tiếp theo bình đẳng với các NV khác. Vì vậy, những thí sinh điểm cao mà quyết tâm đi học thì chắc chắn trúng tuyển vào một ngành/trường phù hợp với kết quả thi và không có sự rủi ro như những năm trước đây.
Ông Ga đưa ra ví dụ, ngành Y đa khoa, nếu ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh lấy điểm 29,25 thì những trường ĐH khác cũng đào tạo ngành này lấy điểm chuẩn thấp hơn. Đó là: ĐH Y Dược Huế 28,25 điểm, ĐH Y Thái Bình 27,5 điểm, ĐH Y Dược Hải Phòng 27 điểm, ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch 27 điểm, Khoa Y Dược ĐH Đà Nẵng 26,25 điểm… Nếu TS thi được 27 điểm chẳng hạn, muốn học Y đa khoa và đã đăng ký vào các trường có đào tạo ngành này thì không thể trượt.

Trước hiện tượng, một số ngành có điểm chuẩn cao, thậm chí vượt cả mức điểm tuyệt đối ở một số tường top trên, ông Ga có cách nhìn nhận: Trên tổng số hơn 4.000 ngành tuyển sinh, chỉ có vài chục ngành có điểm chuẩn cao (chiếm tỉ lệ chưa đến 1% tổng số ngành) thuộc các trường quân đội, công an, y dược. Các ngành thuộc khối trường quân đội, công an tuyển đúng 100% chỉ tiêu theo kế hoạch. Ngành y đa khoa của các trường chỉ tiêu hầu như không thay đổi trong nhiều năm nay. Các ngành này lâu nay vẫn tuyển sinh với mức điểm chuẩn cao.

Và, vì những năm trước do TS bị giới hạn số NV nên nhiều em điểm cao không tự tin nộp vào những ngành này. Năm nay TS không giới hạn số NV nên hầu như những em có kết quả cao đều đăng ký trong khi chỉ tiêu các ngành quân đội, công an năm nay lại giảm dẫn đến tăng điểm chuẩn. Do đó, một số ít TS có điểm thi cao không trúng tuyển NV1.

“Không trúng tuyển NV1 không có nghĩa là trượt ĐH. Nếu các em đã thực hiện đăng ký xét tuyển phù hợp thì chắc chắn trúng tuyển các NV khác. Ngoài một số rất ít các ngành điểm chuẩn cao, có đến 99% trong tổng số các ngành còn lại việc tăng, giảm điểm chuẩn rất bình thường như mọi năm” - ông Ga khẳng định.

Việc dư luận cho rằng chính sách cộng điểm ưu tiên đang nảy sinh những bất hợp lý, gây thiệt thòi cho TS khu vực 3 điểm cao bị trượt ĐH vào trường, ngành yêu thích, Thứ trưởng Ga giải thích: Quy định cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực trong tuyển sinh đã được thực hiện từ rất nhiều năm nay. Quy định này cụ thể hóa các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với người có công, con em dân tộc, TS sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn… có điều kiện sống, học tập khó khăn hơn rất nhiều so với những em sống ở TP.

“Khi chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước thay đổi, quy chế tuyển sinh cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp. Ví dụ những địa phương trước đây thuộc khu vực khó khăn, nay điều kiện kinh tế xã hội đã được cải thiện, không còn nằm trong danh sách các địa phương khó khăn thì việc cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh cũng sẽ được điều chỉnh giảm” - ông Ga cho hay.