Kinhtedothi - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ có những giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ công nghệ mới có lợi ích cho người dùng. Đó là nội dung do Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ngày 3/2, tại Hà Nội.
- Hiện tại, các dịch vụ mới trong lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT) như OTT, Uber đang rất được ưa chuộng và có lượng người dùng đông đảo. Thứ trưởng có đánh giá như thế nào đối với các dịch vụ dạng này ?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Sự phát triển của công nghệ trong lĩnh vực CNTT đã làm thay đổi cuộc sống, có tác động và ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, xã hội. Hạ tầng viễn thông và internet băng rộng cho phép các dịch vụ khác nhau như dữ liệu, âm thanh và hình ảnh được tích hợp và truyền tải thống nhất trên cùng một nền tảng giao thức đến người dùng dễ dàng, thuận tiện với chi phí hợp lý đã thực sự làm thay đổi cuộc sống.
Hiện tại, sự phát triển mạnh mẽ và hội tụ của công nghệ đã xóa nhòa khoảng cách giữa các chủ thể cung cấp dịch vụ CNTT. Công nghệ mới với hạ tầng viễn thông băng rộng hiện đại, cung cấp đa dịch vụ và phát triển rộng khắp đã tạo nên cơ hội to lớn để thu hẹp khoảng cách số trong xã hội.
Xu thế hội tụ công nghệ nêu trên đã tạo nên một thế giới ngày càng phẳng, trong đó là phát triển của các dịch vụ xuyên biên giới, cho phép người sử dụng dễ dàng truy cập, đưa thông tin lên mạng và trao đổi thông tin không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới.
Các dịch vụ mới như dịch vụ OTT, Uber, mạng xã hội là một số ứng dụng điển hình đang dần đi vào cuộc sống, tạo nên những trải nghiệm mới, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dùng.
Về quan điểm, Bộ TTTT ủng hộ và tiếp tục có những giải pháp thúc đẩy và phát huy các mặt tích cực mà các công nghệ, dịch vụ mới đã mang lại.
- Vậy về khâu quản lý Nhà nước đối với các loại hình dịch vụ mới trên, định hướng của Bộ TT&TT là gì thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Mặc dù sự phát triển mạnh mẽ của CNTT đã tạo ra những cơ hội lớn nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý Nhà nước. Có thể kể đến những vấn đề tiềm ẩn về nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin hiện đang là thách thức lớn.
Ngoài ra, với các dịch vụ xuyên biên giới, lượng thông tin được trao đổi vô cùng phong phú, bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị cũng có nhiều nội dung thông tin độc hại, trái với thuần phong mỹ tục, đi ngược lại với lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia cũng được phát tán trên môi trường mạng. Các nội dung độc hại đó cần có các biện pháp quản lý tổng hợp để hạn chế các ảnh hưởng của nó đối với xã hội và cộng đồng.
Trong năm 2015, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác quản lý nội dung trên internet. Các giải pháp theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và các thông tư hướng dẫn, sẽ được tăng cường cũng như có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các Bộ, ngành ... Chú trọng hơn các biện pháp phát triển nội dung, giáo dục và hướng dẫn người sử dụng internet trong thời gian tới.
Đối với các dịch vụ mới, tiêu biểu là OTT, đây hiện đang là dịch vụ có nội dung được cung cấp trên mạng/dịch vụ viễn thông, chủ yếu là mạng Internet của các ISP và nhà mạng viễn thông mà không cần có sự tham gia điều khiển, phân phối nội dung của nhà mạng, ISP.
Do vậy, hiện nay chưa có cơ chế kiểm soát, giám sát của các cơ quan chức năng của Việt Nam đối với các dịch vụ, thông tin liên quan.
Hiện Bộ đang xây dựng văn bản quản lý dịch vụ OTT để đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà cung cấp hạ tầng dịch vụ viễn thông, các công ty cung cấp dịch vụ OTT, tạo nên một thị trường cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển và trên hết là quyền lợi của người sử dụng.
- Thưa Thứ trưởng, hiện mạng xã hội đang là nhu cầu không thể thiếu hiện nay, tuy nhiên do tính chất quốc tế vì vậy cũng xuất hiện rất nhiều thông tin xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Bộ có giải pháp nào trước tình trạng này?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Có thể khẳng định, xu hướng phát triển của mạng xã hội là không thể ngăn cản cũng như tại Việt Nam không có chủ trương ngăn chặn sự phát triển này. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích thiết thực cũng có nhiều tác hại to lớn, trong đó đáng kể nhất là các trang các nhân, blog ... có nội dung bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo, chống Đảng, Nhà nước ...
Đối với những trang thông tin dạng này, bên cạnh dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, Bộ cũng tăng cường các thông tin chính thống qua các cơ quan báo chí để đấu tranh với các luận điều xuyên tạc trên. Qua đó ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực đến tâm lý của người dân cũng như sự hoài nghi trong xã hội.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ có những biện pháp toàn diện hơn để ngăn chặn, phòng chống thông tin độc hại trên mạng cũng làm cho môi trường mạng trong sạch hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin chung của xã hội.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn
|
- Xin cảm ơn Thứ trưởng.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng.