Về công tác KTCN, các bộ chưa thực hiện quyết liệt, chưa đề xuất cụ thể cách thức quản lý đối với các danh mục hàng hóa phải KTCN đang bị chồng chéo, chịu nhiều hình thức kiểm tra của nhiều bộ hoặc của nhiều cơ quan, đơn vị thuộc một bộ. Tình trạng độc quyền trong hoạt động kiểm tra, đánh giá sự phù hợp chưa được khắc phục triệt để. Chi phí của thủ tục KTCN vẫn là gánh nặng lớn đối với DN...
|
Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Chẳng hạn, Bộ NN&PTNT có 7.698 dòng hàng thuộc 251 nhóm sản phẩm phải KTCN nhưng chưa đề xuất cắt giảm gì. Tương tự, các Bộ TN&MT, GTVT, Y tế, GD&ĐT cắt giảm rất ít hoặc cũng cũng chưa đề xuất gì đối với hàng trăm mặt hàng phải KTCN do bộ mình quản lý.
Còn kết quả kiểm tra về ĐKKD cho thấy, hiện nay có 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh với 3.571 yêu cầu, điều kiện… Không ít ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa thật sự đáp ứng tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư 2014. Một số ĐKKD đặt ra yêu cầu quá mức cần thiết, tạo ra rào cản gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh. Nhiều ĐKKD được quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể, khó xác định. Hoặc can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tổ chức sản xuất, kinh doanh của DN, gây tác động bất lợi đến DN…
Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất, khẩn trương xây dựng phương án cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, bất hợp lý, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN... Tuyệt đối không cắt giảm, bãi bỏ cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi, nhằm bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, thủ tục KTCN và điều kiện theo hướng xây dựng một Nghị định sửa nhiều Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trong quý II/2018.