Điều này thể hiện ở chỗ không thấy ông Abe có sự chuẩn bị gì về nhân sự kế nhiệm trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) hiện đang cầm quyền. Đảng này bây giờ không có nhiều thời gian cho việc chọn bầu chủ tịch đảng mới để rồi kế nhiệm ông Abe.
Tình trạng nội bộ đảng LDP như thế và 8 năm cầm quyền liên tục của ông Abe khiến cho dẫu nhân vật nào trong đảng rồi đây kế nhiệm ông Abe cũng đều không dễ dàng gì với việc kế thừa di sản cầm quyền của ông Abe. Cùng với việc ông Abe buông bỏ quyền lực là sự kết thúc một thời kỳ chính trị ở Nhật Bản.
Người mới sẽ gây dựng một thời kỳ chính trị mới nhưng chưa thể ngay lập tức và lại càng không thể phủ nhận hay lật ngược những thành quả cầm quyền mà ông Abe đã đạt được trong thời gian cầm quyền liên tục lập kỷ lục mới ở Nhật Bản. Trái lại, người này chắc chắn sẽ phải kế thừa và tiếp nối không ít quan điểm chính sách cầm quyền của ông Abe về đối nội cũng như đối ngoại, thậm chí cả chủ thuyết Abenomics nữa.
Việc kế thừa sẽ khó khăn bởi người mới này phải đồng thời gây dựng nên cả thiên thời lẫn địa lợi và nhân hoà. Lần cầm quyền này của ông Abe đủ để ông trở thành một tượng đài chính trị mới ở Nhật Bản, tuy không hẳn hoàn hảo nhưng cũng vẫn rất vững chắc và có vị trí xứng đáng trong lịch sử đất nước Nhật Bản.
Người kế nhiệm ông Abe tuy có được điểm xuất phát thuận lợi hơn ông Abe khi bắt đầu cầm quyền - nhờ những thành tựu cầm quyền của ông Abe trong 8 năm qua - nhưng phải chinh phục và duy trì được sự tín nhiệm trong dân chúng, phải gây dựng và tăng cường được uy quyền trong đảng LDP và phải dần có được sự coi trọng và tin cậy của các đối tác bên ngoài của Nhật Bản.
Chủ thuyết Abenomics gắn liền với ông Abe và thời kỳ cầm quyền của ông Abe. Ở thời kỳ chính trị mới của Nhật Bản, vì ông Abe không còn tại nhiệm nữa, vì những hệ luỵ và bất cập của Abenomics bộc lộ ngày càng rõ và ảnh hưởng ngày càng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và tình hình xã hội Nhật Bản, nhưng đồng thời cũng còn vì tác đông tai hại của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, người kế nhiệm ông Abe sẽ có chủ thuyết riêng của mình về phát triển kinh tế xã hội và cải cách trên nhiều phương diện cho Nhật Bản hoặc sẽ phải thích ứng hoá Abenomics vào bối cảnh tình hình và điều kiện mới.
Người mới trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản sẽ cần thời gian, chắc chắn nhiều chứ không phải ít, để gây dựng được mối quan hệ cá nhân chặt chẽ và tin cậy với lãnh đạo những đối tác chính trị an ninh quan trọng nhất đối với Nhật Bản là ông Donald Trump ở Mỹ, ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc, ông Vladimir Putin ở Nga và ông Moon Jae-in ở Hàn Quốc.
Nếu không được như thế thì người mới này sẽ không thể thúc đẩy được quan hệ của Nhật Bản với các đối tác này theo hướng có lợi nhất cho Nhật Bản và đồng thời không bị vì thế mà gặp khó khăn, phức tạp hay vướng mắc mới trong nội bộ phe cầm quyền, trên chính trường và trong xã hội ở Nhật Bản. Thời tại vị, ông Abe đã tỏ ra rất khôn khéo trong việc vừa tranh thủ vừa đối phó với những đối tác này.
Người kế nhiệm ông Abe chắc chắn không có lý do hay lợi ích gì để thay đổi hoàn toàn định hướng quan điểm chính sách của Nhật Bản đối với các đối tác khác ở các khu vực khác trên thế giới, trong các vấn đề chính trị thế giới thời sự và toàn cầu hoá hay tự do hoá thương mại, an ninh khu vực hay tự do hàng hải...
Tuy nhiên, người này cũng cần thời gian thì mới làm cho các đối tác thực sự tin rằng chính sách đối ngoại và kinh tế đối ngoại của chính phủ mới ở Nhật Bản có bản chất là tính liên tục và nhất quán chứ không phải thường xuyên thay đổi khiến cho đối tác chẳng biết đâu mà lần. Nhật Bản ở thời ông Abe không còn cầm quyền nhưng vẫn mang dấu ấn nhất định của ông Abe.
Từ đó có thể thấy, ở thời kỳ sau ông Abe, Nhật Bản sẽ có nhiều thay đổi hoặc điều chỉnh về đối nội hơn là về đối ngoại, nhưng mọi thay đổi hay điều chỉnh đều không ngay lập tức mà sẽ dần dần.
Cũng dễ hiểu thôi vì ở đâu cũng vậy trên thế giới này, chính phủ mới nào cũng thường quan tâm trước hết và nhiều nhất trong giai đoạn cầm quyền đầu tiên tới những chuyện đối nội. Tạo địa lợi và nhân hoà rồi thì mới gây dựng nên được thiên thời. Quan hệ của Nhật Bản với Mỹ, Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc vì thế chưa thể dễ sớm có đột biến tích cực mới.