Theo đó, sau khi nghe báo cáo về tình hình chiến sự xảy ra tại Libya và phương án đảm bảo an toàn cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại nước này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ LĐTBXH, Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến tình hình, đồng thời chuẩn bị các phương án nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh VGP/Nhật Bắc
|
Liên quan đến chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát, ưu tiên bố trí vốn để sớm triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Nghị quyết của Quốc hội, tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo Chương trình 167 và xây dựng nhà ở chống lũ cho người dân miền Trung. Theo rà soát và tính toán ban đầu của các Bộ, ngành và địa phương thì tổng số hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở là 71.000; tổng số hộ nghèo cần tiếp tục hỗ trợ về nhà ở là 510.000 hộ và tổng số hộ cần hỗ trợ nhà ở tránh lũ tại miền Trung là 40.500 hộ.
Về quy định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 56 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các trường hợp cụ thể mà các văn bản đã ban hành trước chưa đề cập, chẳng hạn như trường hợp phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho Mẹ có chồng và một con là liệt sỹ đã tái giá, Mẹ có con nuôi là liệt sỹ, Mẹ có con độc nhất là liệt sỹ (trường hợp có nhiều con nhưng các con khác đều đã mất)... Thủ tướng cho biết do chưa có hướng dẫn cụ thể nên có những cách hiểu và vận dụng khác nhau trong quá trình triển khai, vì thế các Bộ liên quan cần khẩn trương hướng dẫn cụ thể.
Liên quan đến chủ trương tổ chức một kỳ thi chung quốc gia (thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi đại học), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng 3 phướng án và công bố lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến nhân dân, dư luận xã hội, hoàn thiện phương án cuối cùng, sớm công bố phương án chính thức để có thể áp dụng vào năm 2015.
Sau nghe Tờ trình của Bộ Y tế về một số mô hình và cơ chế, chính sách để đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện, phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh với chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết căn cứ vào nội dung Nghị quyết Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị, xuất phát từ các mô hình cũng như thực tiễn hoạt động y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, giảm quá tải bệnh viện; minh bạch tài chính y tế… Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về nội dung này để tổ chức thực hiện. Thủ tướng lưu ý các cơ sở y tế xã hội hóa được xây dựng theo mô hình hợp tác công-tư, mô hình doanh nghiệp bệnh viện là để phục vụ chữa bệnh theo yêu cầu, phục vụ cho người bệnh có khả năng chi trả; còn người nghèo, đối tượng chính sách sẽ do Nhà nước đảm bảo chữa bệnh thông qua bảo hiểm y tế.
Liên quan đến tình hình các băng nhóm tội phạm bảo kê cho xe quá tải vượt trạm cân, tình hình buôn lậu qua biên giới và khai thác cát gây hậu quả môi trường nghiêm trọng tại nhiều địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh các nhóm tội phạm bảo kê xe quá tải; các địa phương phải nghiêm túc chấn chỉnh, xử lý khai thác cát trái phép và Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này.
Về tình trạng buôn lậu, nhất là buôn lậu thuốc lá qua biên giới gây thất thu thuế nghiêm trọng (ước tính hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm), Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải kiên quyết ngăn chặn, trong đó có việc xử lý nghiêm minh các đối tượng bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu. “Đề nghị các địa phương phải xử lý kiên quyết. Không được vì lợi ích cục bộ của địa phương mà gây thiệt hại cho nền kinh tế, cho lợi ích của đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.