Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng chỉ thị về tổ chức bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có chỉ thị về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Nội dung chỉ thị như sau:

Ngày 25/11/2015 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 105/2015/QH13 về ngày bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Theo Nghị quyết của Quốc hội, ngày bầu cử sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật 22/5/2016.

Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước và của từng địa phương; được tổ chức vào thời điểm cả nước đã giành được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực theo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đặt ra đối với cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đây cũng là thời điểm các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân theo Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã và đang đặt ra các yêu cầu mới cao hơn đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp trong nhiệm kỳ mới. Cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp lần này được Đảng, Quốc hội, Chính phủ xác định là nhiệm vụ công tác trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm 2016; là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân để lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại diện cho Nhân dân cả nước tại Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và các đại biểu đại diện cho Nhân dân địa phương tại HĐND các cấp, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhiệm kỳ 2016-2021.

Để cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho Nhân dân cả nước tại Quốc hội và HĐND các cấp, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có kế hoạch triển khai, chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí ở Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; quyền ứng cử, quyền bầu cử của công dân theo quy định của Hiến pháp; các nội dung cơ bản của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; góp phần nâng cao ý thức làm chủ, tinh thần tự giác của mọi công dân, cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác bầu cử.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê hướng dẫn Cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp số liệu dân số đến ngày 31/12/2015 của từng địa phương để làm căn cứ tính số lượng ĐBQH và số lượng đại biểu HĐND các cấp ở mỗi đơn vị hành chính. 

3. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể, bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc thông suốt trong quá trình chuẩn bị, tổ chức bầu cử, đặc biệt trước và trong ngày bầu cử 22 tháng 5 năm 2016.

4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng kế hoạch, phương án triển khai lực lượng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử, đặc biệt chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự tại những địa bàn trọng điểm, khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh; chỉ đạo và hướng dẫn các lực lượng quân đội, công an tham gia cuộc bầu cử.

5. Bộ Tài chính bố trí kinh phí kịp thời để các cơ quan Trung ương, các địa phương thực hiện công tác bầu cử; hướng dẫn việc lập dự toán, quyết toán và kiểm tra việc sử dụng kinh phí bầu cử; bảo đảm kinh phí được sử dụng đúng mục đích, yêu cầu, tiết kiệm và hiệu quả.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các phương án chủ động đối phó với những tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian chuẩn bị và tổ chức bầu cử.

7. Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc kê khai tài sản đối với người được giới thiệu ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp theo chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân trước, trong và sau bầu cử.

8. Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện công tác bầu cử; kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các quy định của pháp luật về bầu cử và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan theo dõi, cập nhật tình hình chuẩn bị, tiến độ thực hiện công tác bầu cử tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp để kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử.

9. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Kế hoạch công tác bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động thực hiện và bảo đảm tiến độ việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử; công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; trình tự các bước tiến hành công việc trước, trong, sau ngày bầu cử và các điều kiện vật chất, kỹ thuật phục vụ cho cuộc bầu cử. Chủ động phối hợp với Thường trực HĐND, các cơ quan liên quan trong việc giám sát, kiểm tra và thực hiện công tác bầu cử. Chỉ đạo các cơ quan quân đội, công an ở địa phương xây dựng các kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và tại các địa điểm bỏ phiếu; bảo đảm cho cuộc bầu cử được diễn ra an toàn, đúng pháp luật; xây dựng phương án dự phòng bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành liên tục, không bị gián đoạn.

10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác chỉ đạo tổ chức, thực hiện cuộc bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của các Bộ, cơ quan Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử; kịp thời gửi báo cáo đến Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình công tác chuẩn bị, triển khai và tổ chức cuộc bầu cử, ngày bầu cử theo tiến độ từng giai đoạn của cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử ĐBQH khoá XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp.