Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đại diện nhiều bộ ngành T.Ư và 63 tỉnh, TP trên cả nước.
2017 - năm thiên tai với nhiều kỷ lụcNăm 2017 là năm có số lượng cơn bão kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và ảnh hưởng trên biển Đông. Đây là số lượng bão, áp thấp nhiệt đới nhiều nhất xảy ra trong một năm từ trước đến nay tại Việt Nam.
2017 cũng là năm có tổng lượng mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi mưa lớn hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 40%. Điển hình là đợt mưa lớn diện rộng vào giữa tháng 10 tại khu vực Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình với tổng lượng mưa từ 400 - 600mm, khiến lần đầu tiên Nhà máy thủy điện Hòa Bình phải xả cùng lúc 8 cửa xả đáy. Mưa lớn cũng làm phát sinh tới 244 sự cố về đê điều.
Trong gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra trên 300 trận lũ quét, sạt lở đất. Năm 2017, lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng tại các tỉnh miền núi. Đáng lo ngại hơn khi hiện vẫn còn 13.246 hộ đang sinh sống tại những nơi không bảo đảm an toàn có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất.
Thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT cho thấy, trong 20 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích. Thiệt hại vật chất khoảng 1 - 1,5% GDP. Đặc biệt năm 2017, thiên tai gây thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản với 386 người chết và mất tích; thiệt hại về tài sản khoảng 60.000 tỷ đồng. Đây tiếp tục là một kỷ lục buồn, đáng quên do thiên tai gây ra.
Riêng đối với Hà Nội, thiên tai trong năm 2017 cũng đã khiến 2 người chết. Thiệt hại về tài sản khoảng 1.408 tỷ đồng, lớn nhất trong 10 năm trở lại đây.
Thiên tai ngày một bất thường Đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực PCTT chỉ ra, tính bất thường, trái quy luật và ngày càng nghiêm trọng hơn của thiên tai biểu hiện cả về cường độ lẫn tần suất. Mưa đặc biệt lớn, trong đó có mưa cục bộ ở nhiều khu vực vượt giá trị lịch sử. Bão lớn cấp 11 - 12 thường xuyên xảy ra và trái quy luật. Thời gian xảy ra lũ lớn kéo dài suốt năm thay vì tập trung vào giai đoạn tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Hạn hán xảy ra trên diện rộng và kéo dài tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Đặc biệt, thiên tai xảy ra nhiều hơn tại các vùng miền trước đây ít khi xảy ra như Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Việc đầu tư phát triển kinh tế xã hội thiếu bền vững làm nảy sinh nguy cơ về rủi ro thiên tai…
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm quan các mô hình cảnh báo, ứng phó với thiên tai bên lề hội nghị. |
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong năm 2018, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng tương đương năm 2017. Cụ thể, sẽ có khoảng 12 - 13 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong đó, có 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Trung Bộ vẫn sẽ là trọng tâm chịu ảnh hưởng của các cơn bão. Nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng xuất hiện muộn hơn trung bình nhiều năm và mức độ không gay gắt như năm 2017. Tại khu vực phía Bắc (bao gồm cả Hà Nội), các đợt mưa lớn tập trung từ tháng 6 - 8/2018.
Đồng bộ các giải pháp Mục tiêu của công tác PCTT năm 2018 được Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đề ra là: Hoàn thiện thể chế chính sách, tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp trong hoạt động PCTT giữa các bộ ngành và địa phương, huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng để chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ phục hồi, tái thiết sau thiên tai nhằm sớm ổn định đời sống, sức khỏe, môi trường, sản xuất của Nhân dân đối với từng loại hình thiên tai chính của các vùng miền, khu vực trong cả nước.
Đối với nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Trưởng ban Chỉ đạoT.Ư về PCTT Nguyễn Xuân Cường đã nêu ra ba nhóm giải pháp chính. Trong đó, tập trung kiện toàn tổ chức, phân công cụ thể nhiệm vụ gắn với trách nhiệm. Xây dựng kế hoạch PCTT cấp quốc gia và địa phương; tiêu chuẩn, quy chuẩn công trình an toàn trước thiên tai và các chính sách thúc đẩy xã hội hóa PCTT. Song song với đó là đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng PCTT. Hoàn thành xử lý cấp bách sự cố công trình đê điều, hồ đập. Khẩn trương sơ tán dân khỏi khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai. Đồng thời, xây dựng chương trình tổng thể PCTT tại các khu vực, cụ thể, miền núi phía Bắc (nâng cao năng lực ứng phó lũ quét, sạt lở đất), miền Trung, Tây Nguyên (nâng cao năng lực ứng phó với bão mạnh) và triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về Đồng bằng sông Cửu Long…
Tham luận tại hội nghị, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ cho rằng: Cần tạo ra những vùng sản xuất nông nghiệp có khả năng thích nghi với thiên tai. Thúc đẩy khoa học công nghệ, bao gồm cả lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu với thiên tai. Cùng với đó, phải gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất nông nghệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Sớm xây dựng chương trình canh tác bền vững trên vùng đất thích nghi thiên tai. “Phải đến với vùng bão trước khi bão đến, chủ động phòng ngừa, tiến tới xây dựng văn hóa ứng phó trước thiên tai” - ông Lê Huy Ngọ nhấn mạnh tinh thần ứng phó thiên tai.
Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, toàn hệ thống chính trị có niềm tin rất lớn và nhờ đó đã có được những giải pháp kịp thời cho vấn đề quan trọng này.
Sự phát triển của nông nghiệp trong bối cảnh thiên tai khốc liệt. Đặc biệt, việc từng bước chuyển dịch được cơ cấu nông nghiệp - một vấn đề quan trọng trong ứng phó với thiên tai được Thủ tướng đánh giá cao. Theo đó, Thủ tướng đề nghị cần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng thích ứng với thiên tai.
Thủ tướng nhấn mạnh: Toàn hệ thống chính trị cần nhận thức Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, từ đó có phương án chủ động phòng chống. Đặc biệt, cần nhận thức thiên tai giờ đây không diễn ra theo bất cứ quy luật nào. Thủ tướng cũng cho rằng: Dù đã nỗ lực nhưng thiệt hại vẫn còn rất lớn. Để xảy ra điều này có phần trách nhiệm của bộ máy quản lý Nhà nước. “Để dân đói, dân khát do thiên tai, do nhận thức chưa đầy đủ về việc phòng chống là trách nhiệm của cán bộ” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng biểu dương tinh thần “4 tại chỗ” của các bộ ngành, địa phương, nhất là lực lượng quân đội, công an. Tấm lòng chia sẻ, lá lành đùm lá rách trong thiên tai là rất quan trọng. “Dân tộc Việt Nam trong khó khăn càng đoàn kết, thương yêu nhau hơn. Đây là hình ảnh nhân văn rất đáng trân trọng, gìn giữ, cần được tiếp tục lan truyền để thấm nhuần vào mỗi người dân” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng đề cập tới một số hạn chế trong ứng phó thiên tai, nhất là trong mưa lũ, sạt lở đất. Vẫn còn tâm lý chủ quan trong một bộ phận lãnh đạo các cấp và người dân. Nạn phá rừng, phát triển hạ tầng kinh tế ven biển làm gia tăng nguy cơ mất an toàn PCTT. Việc khai thác quá mức các dòng sông trái phép gây nên nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Thiết kế, xây dựng công trình chưa đáp ứng yêu cầu PCTT… Để thực hiện có hiệu quả công tác PCTT năm 2018, Thủ tướng đề ra 6 nhiệm vụ chỉ đạo với tinh thần “Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai”. Cụ thể: PCTT phải được xem là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị; Quan tâm đầy đủ tới phòng ngừa, lấy phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại là chính, trong đó, phương châm “4 tại chỗ” là yêu cầu quan trọng; Công tác PCTT cần được thực hiện theo phương thức quản lý tổng hợp, đồng bộ theo khu vực, liên vùng, liên ngành; PCTT phải được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành và các địa phương. Quy hoạch phải biến khó khăn thành cơ hội. Nhiệm vụ tái cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp cần được xây dựng phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn và thực tế tại các địa phương; Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình nhằm thực hiện đa mục tiêu; Thực thi nghiêm túc, có hiệu quả các công ước quốc tế Việt Nam tham gia trong công tác PCTT.
Ngoài 6 nhiệm vụ trọng tâm trên, Thủ tướng cũng nêu ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đối với các vùng miền. Theo đó, yêu cầu các bộ ngành, địa phương nâng cao năng lực điều hành. Vận dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong cảnh báo, ứng phó. Thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong ứng phó. Tiếp tục nâng cấp hạ tầng. Truyền thông kịp thời để người dân chủ động ứng phó. Tinh thần là phải có phương án ứng phó thiên tai đối với từng vùng cụ thể, sát với thực tiễn.
Thủ tướng cũng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp các ý kiến đề xuất tại hội nghị, tiến tới xây dựng một nghị quyết chuyên đề chỉ đạo cụ thể công tác PCTT.