Ngày 6/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đồng chí Đinh Văn Ân-Trợ lý Tổng Bí thư, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính–Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội...
Về tình hình kinh tế, xã hội, các ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, tiếp tục xu hướng tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 3,22%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay tiếp tục xu hướng giảm (bình quân giảm khoảng 2-3% so với cuối năm 2022).
Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước đạt 94,9% dự toán, ước cả năm vượt mục tiêu đã đề ra do tháng 12 thường có tỷ trọng thu cao, tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 3% so với tháng 10; tính chung 11 tháng tăng 1%.
Tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ, chủ yếu là vốn đăng ký mới (42,4%). Doanh nghiệp phát triển tích cực hơn. Trong tháng 11 ghi nhận có khoảng 14.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,5% cùng kỳ.
Đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng lưu ý, sức ép lạm phát vẫn cao; tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Một số cơ quan, đơn vị, cá nhân còn ngại việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sự quyết tâm, quyết liệt chưa cao…
Vì vậy, ông yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu chưa đạt trong kế hoạch năm 2023.
Nêu chi tiết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, chính sách tiền tệ cần được điều hành chủ động, linh hoạt cùng chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách; phấn đấu tăng thu, đồng thời, kiểm soát chi, tiết kiệm triệt để chi ngân sách.
Các thị trường, nhất là sàn giao dịch bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, lao động, khoa học công nghệ… phải xử lý hiệu quả tồn tại, vướng mắc để phục hồi, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, bảo đảm công khai, minh bạch.
Bên cạnh các động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) phải tiếp tục đẩy mạnh, Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Phải tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực; thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chíp bán dẫn, linh kiện… Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tăng cường liên kết vùng, liên vùng và cả nước; tập trung phát triển các lĩnh vực mới nổi, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; củng cố, phát huy các thị trường truyền thống và khai thác các thị trường mới, nhất là tại Trung Đông...
Đi cùng với đó là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Những điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết phải quyết liệt cắt giảm. Phát huy hơn nữa vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Quyết liệt thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Phải chú ý việc xử lý các tài sản, đất đai sau sắp xếp, chống lãng phí, tiêu cực”, Thủ tướng lưu ý.
Các bộ, ngành, địa phương phải phát huy tinh thần trách nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân theo tinh thần tháng sau hiệu quả hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước...