Lời xin lỗi được đưa ra sau gần 150 năm chấm dứt chế độ nô lệ ở các quốc gia từng là thuộc địa của châu Âu, gồm Suriname và các đảo như Curacao và Aruba thuộc vùng biển Caribbean cũng như Indonesia.
"Ngày hôm nay thay mặt Chính phủ Hà Lan, tôi xin lỗi vì những hành động mà Đế quốc Hà Lan đã từng gây ra trong quá khứ" - ông Rutte phát biểu tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia. "Chính phủ Hà Lan cần phải chịu trách nhiệm về những mất mát, đau thương đã gây ra cho những người bị bắt làm nô lệ cũng như con cháu của họ".
"Chúng tôi, những người đang sống ở đây hiện chỉ có thể thừa nhận và thẳng thừng lên án chế độ nô lệ như là một tội ác chống lại loài người" - ông nói thêm.
Các quốc gia từng là thuộc địa của Hà Lan sau đó lên phương án tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm có tên "Keti Koti" (Phá vỡ xiềng xích) ở Suriname để kỷ niệm 150 năm thoát khỏi chế độ nô lệ. Tuy nhiên kế hoạch này gây ra tranh cãi khi một số quốc gia cũng bị ảnh hưởng từ chế độ nô lệ cho rằng động thái này là vội vàng và thiếu những ý kiến của Hà Lan.
Trong "thời kỳ hoàng kim" của chế độ thực dân vào thế kỷ 16 và 17, người Hà Lan đã từng vận chuyển khoảng 600.000 nô lệ từ châu Phi đến châu Mỹ, chủ yếu là các quốc gia Nam Mỹ và Caribe. Các vùng lãnh thổ hoặc quốc gia thống nhất ngày nay đã từng là thuộc địa của Hà Lan như Suriname, đảo Curacao thuộc vùng Caribe, Nam Phi và Indonesia - nơi đặt trụ sở của Công ty Đông Ấn Hà Lan vào thế kỷ 17.
Chế độ nô lệ chính thức bị xóa bỏ ở Suriname và các vùng đất khác vào ngày 1/7/1863, nhưng chế độ này chỉ thực sự chấm dứt vào năm 1873 sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 10 năm.
Trong những năm gần đây, Hà Lan đã phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã rằng các bảo tàng và thị trấn lịch sử như Rembrandt và Vermeer của họ phần lớn được xây dựng dựa trên sự tàn bạo của chế độ nô lệ. Trước những áp lực ngày càng gia tăng trong nước, các thành phố như Amsterdam, Rotterdam, The Hague và Utrecht đã đưa ra lời xin lỗi chính thức về nạn buôn bán nô lệ.
Trước đó, ông Rutte cho rằng thời kỳ nô lệ đã rơi vào dĩ vãng và một lời xin lỗi sẽ gây ra căng thẳng ở một đất nước mà phe cực hữu vẫn còn mạnh. Mặc dù vị Thủ tướng này đã có những động thái xin lỗi, tuy nhiên điều này vẫn không thể làm hài lòng tất cả mọi người.