Mỗi người dân phải có khát vọng phát triển
Thủ tướng khẳng định, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tốt hơn. “Tôi đi 4 đợt liền, toàn quốc gia lớn, họ trân trọng Việt Nam hơn so với trước đây, phần lớn đóng góp của Việt Nam được chấp nhận. Tất nhiên, còn rất nhiều bất cập tồn tại trong báo cáo mà Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra, bên cạnh việc phát triển kinh tế thì phải quan tâm hơn tới vấn đề xã hội. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội có nhiều vấn đề cần nắm bắt, xử lý, bảo đảm hạnh phúc cho từng gia đình, an toàn hơn cho người dân.
Theo Thủ tướng, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Mục tiêu đạt 1 triệu DN có đạt được không? Các địa phương cố gắng phát triển mạnh mẽ các loại hình DN; tiếp tục phát triển FDI có chọn lọc, liên kết hai khối kinh tế lại. Đó là câu hỏi lớn của Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh, ý chí dân tộc mạnh mẽ hơn, khát vọng phát triển tốt hơn. Người Việt Nam thông minh nhanh nhẹn, nhận thức tốt cần hợp tác, có ý chí, quyết tâm trong công việc, không bỏ lưng chừng. Mỗi người dân, mỗi tổ chức, đặc biệt người có trách nhiệm phải có khát vọng trong phát triển, có nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong phát triển mới có thể đưa đất nước tiến lên.
“Chính phủ sẽ lắng nghe, tiếp thu để chất lượng công việc năm 2019 tốt hơn, để người dân cảm thấy Quốc hội, Chính phủ lo cho dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Giữ cân đối thu - chi, đảm bảo an toàn nợ công
Cũng tại buổi thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Quốc hội thảo luận sâu về thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN). Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: “Đừng có mặc áo quá đầu. Liệu cơm gắp mắm để giữ cân đối, kể cả nợ công. Nếu đi vay tràn lan cho đầu tư phát triển sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Làm gì cũng đúng mức, hiệu quả. Tất nhiên nếu dừng lại không làm gì cũng chết nhưng đầu tư bừa bãi còn nguy hiểm hơn”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Quochoi.vn |
Còn ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu tình trạng tỷ lệ thu NS Trung ương hiện nay đang bị giảm so với giai đoạn trước, nếu không đủ nguồn, các công trình quan trọng quốc gia như đường ven biển sẽ không làm được…
Theo ĐB, tỷ trọng này giảm sút cho thấy phân cấp, điều tiết ngân sách đang có vấn đề nên phải bảo đảm vai trò của Trung ương và phải bảo đảm nguồn thu thì mới có thể bảo đảm nhiệm vụ chi để phát triển kinh tế. ĐB Hoàng Quang Hàm gợi ý Chính phủ có thể đi theo hướng khai thác các nguồn thu còn dư địa mà không ảnh hưởng đến người dân, tập trung vào thuế trực thu chứ không thu thuế gián thu như thuế VAT, thuế môi trường...
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải nhìn lại việc cho vay lại và bảo lãnh vì hiện nay nợ quốc gia sắp chạm trần, nếu vượt trần này thì mức tín nhiệm của Việt Nam sẽ khác, các DN không trả được nợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.
Tại đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, đối với bảo lãnh Chính phủ, năm 2017, Chính phủ không bảo lãnh cho DN nào. Năm 2018 Chính phủ chỉ bảo lãnh cho 2 dự án quan trọng của ngành điện còn năm 2019 thì hạn mức bảo lãnh cũng rất thấp nhằm bảo đảm an toàn nợ công.
Về thu NSNN, Phó Thủ tướng cho biết dự kiến cả năm nay thu NS sẽ vượt 5% dự toán, thay vì là vượt 3% như chỉ tiêu ban đầu. Tuy nhiên, thu NS ở 3 khu vực không đạt như báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội do việc đặt ra dự toán quá cao.
Nói về dự toán thu, Phó Thủ tướng cho biết có 16 tỉnh, TP có ngân sách điều tiết về Trung ương đều được giao tăng thu 18% so với năm trước. Riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội được Trung ương giao thu cao hơn 24%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng kinh tế.
“Tuy nhiên, năm nay, Chính phủ sẽ không giao cao như vậy nữa, bình quân 16 tỉnh thì chỉ giao tăng thu NS tăng trung bình 12% thôi. Ngoài ra trong năm nay, Chính phủ sẽ trình tiếp với Quốc hội bố trí 5.600 tỷ đồng để bù hụt thu NS Trung ương và cấp 2.800 tỷ đồng để bù thiếu hụt cân đối NS cho địa phương”, Phó Thủ tướng khẳng định.