Tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã báo cáo về tình hình thực hiện công tác năm 2013 và nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2014.
Trong điều kiện mới tái lập, Ban Kinh tế Trung ương đã chú trọng triển khai song song hai nhiệm vụ cơ bản; vừa xây dựng, phát triển tổ chức, bộ máy, nhân sự, vừa triển khai thực hiện một cách toàn diện năm nhóm nhiệm vụ công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Các đề án nghiên cứu, báo cáo thẩm định chú trọng tính chính trị của kinh tế, những vấn đề xã hội gắn với kinh tế.
Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức các đoàn làm việc và kiểm tra tình hình triển khai, thực hiện Nghị quyết, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ về việc thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương; các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực kinh tế-xã hội vùng, địa phương.
Bên cạnh đó, Ban cũng đã chú trọng chỉ đạo công tác phát triển đội ngũ cộng tác viên, hợp tác với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, mở ra cơ hội lớn để huy động tối đa trí tuệ của các nhà quản lý, khoa học, đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước trong thực hiên các nhiệm vụ chính trị của Ban.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
|
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận về nhiệm vụ công tác năm 2014, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến tổng kết 30 năm đổi mới, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; các kiến nghị của Ban Kinh tế Trung ương nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác của Ban.
Nhấn mạnh việc tái lập Ban Kinh tế Trung ương là cần thiết, phù hợp với thực tiễn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của tập thể Ban Kinh tế Trung ương, nhất là nỗ lực trong kiện toàn bộ máy, thực hiện chức năng nhiệm vụ được Trung ương giao trong công tác tham mưu, đề xuất cho Đảng về các chính sách kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội của đất nước trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc tìm động lực mới cho sự phát triển kinh tế, đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội, Ban Kinh tế Trung ương phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa để làm tốt công tác tham mưu của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Theo đó, Ban cần làm vai trò chủ trì, huy động các cơ quan, các nhà khoa học tâm huyết, có trách nhiệm với đất nước để hiến kế, đóng góp cho Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách những giải pháp hay, giải pháp đúng, thiết thực để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Đồng thời, rà soát, có quy chế phối hợp với các cơ quan của Đảng, các cơ quan của Chính phủ, của Mặt trận, của các đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
“Làm tốt điều này, vai trò tham mưu, đề xuất của Ban Kinh tế sẽ ngày càng được nâng cao, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Chính phủ hết sức ủng hộ, chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ, vì mục đích chung là xây dựng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, vì tiến bộ và công bằng xã hội” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc để nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công việc, trong đó tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, trọng tâm là các nội dung liên quan đến tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016) và đề xuất nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.
Đề cập đến việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban Kinh tế Trung ương với vai trò cơ quan chủ trì đề án theo phân công của Bộ Chính trị.
Thủ tướng đồng ý với đề xuất về thành phần, nhân sự Ban Chỉ đạo, đề nghị Ban sớm trình Thường trực Ban Bí thư quyết định thành lập và triển khai đảm bảo chất lượng và tiến độ thời gian triển khai theo đúng kế hoạch.
Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành chức năng, việc sơ kết cần bám sát các chủ trương nêu trong Nghị quyết; tập trung đánh giá những mặt được, chưa được và chỉ rõ nguyên nhân, trên cơ sở đó rút ra một số bài học kinh nghiệm, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Đây là một lĩnh vực mới, khó, chưa có tiền lệ, đòi hỏi chúng ta phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, câu trả lời chính là ở thực tiễn,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
Nhấn mạnh mục tiêu chung, nhiệm vụ chiến lược phát triển đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa, thì kinh tế là trung tâm. Do vậy, việc tổng kết là hết sức quan trọng, bởi muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, muốn phát triển nhanh bền vững, cần phải làm nhiều việc, trong đó phải thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc tổng kết lần này cần làm rõ thêm, sâu sắc thêm nhận thức, nội hàm, phạm trù của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường trước hết phải thực hiện đầy đủ quy luật của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa là dùng công cụ, chính sách để điều tiết, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội...
Theo Thủ tướng, mỗi chặng đường đổi mới đất nước luôn gắn liền với đổi mới thể chế kinh tế mà bản chất là đổi mới kinh tế thị trường, phát huy dân chủ trong nhân dân. Việc tổng kết nhằm tiếp tục hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực phát triển đất nước.
Cùng với sơ kết kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh cần hết sức quan tâm xây dựng nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện kinh tế thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương trong công tác xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.