Chiều 28/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP Đà Nẵng về tình hình phát triển kinh tế -xã hội.
Cần nhất cơ chế
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bày tỏ, Đà Nẵng có yêu cầu lớn đặt ra là làm sao vươn lên thành thành phố trung tâm của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. “Chúng tôi rất trăn trở để trở thành trung tâm thực sự chứ không phải cái danh. Nếu so với các địa phương khác trong khu vực và trên bình diện cả nước thì cũng phải giật mình bởi nếu không khéo thì chỉ còn là cái danh nếu không bứt phá, ví dụ như Quảng Nam có khu công nghiệp lớn, Khánh Hòa có du lịch rất phát triển còn Thừa Thiên Huế là trung tâm về văn hóa, giáo dục, y tế…”, ông Nguyễn Xuân Anh trăn trở và cho rằng, tuy thời gian qua, TP. Đà Nẵng đạt được một số thành tích ban đầu đáng khích lệ nhưng chưa thể thỏa mãn, cần tiến lên mạnh mẽ hơn nữa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP Đà Nẵng về tình hình phát triển kinh tế -xã hội. |
Nói về các lợi thế của mình, lãnh đạo Đà Nẵng cho biết, thành phố có vị trí địa lý thuận lợi, nhiều cảnh quan đẹp. Cơ sở hạ tầng tốt, có nguồn nhân lực chất lượng. Nhưng Đà Nẵng có khó khăn là diện tích nhỏ, dân số vừa vượt ngưỡng 1 triệu người, hầu như không có tài nguyên khoáng sản, công nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, vốn FDI còn thấp và nhất là, chưa được hỗ trợ cơ chế đặc thù như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
“Vậy Đà Nẵng cần gì ở Chính phủ, bộ ngành Trung ương? Điều quan trọng là chúng tôi cần cơ chế. Thành phố rất tự hào là một trong 13 địa phương cân đối được ngân sách và điều tiết Trung ương và thấy rằng đây là trách nhiệm với đất nước, với các địa phương bạn”, Bí thư Nguyễn Xuân Anh bày tỏ và mong muốn Trung ương hỗ trợ cho Đà Nẵng cơ chế đặc thù với vai trò là thành phố trực thuộc Trung ương, có vị trí địa chính trị quan trọng.
Từ các mặt hạn chế về không gian phát triển, Bí thư Nguyễn Xuân Anh cho biết, thành phố phát triển hướng vào du lịch, dịch vụ, công nghệ cao, vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao và kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy sự tăng trưởng kinh tế. Đà Nẵng cũng không đặt nặng vấn đề thu hút đầu tư bằng mọi giá. Với quy mô không gian nhỏ bé, Đà Nẵng hiện chỉ mở rộng về phía tây, kém phát triển hơn phía Đông, khu vực trù phú, hình thành đô thị mới với du lịch phát triển, thậm chí thay thế cả khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, khu vực phía Đông bây giờ không thể tìm được 50h đất sạch để đầu tư phát triển.
Chia sẻ với Đà Nẵng, ý kiến của các bộ, ngành cho rằng Đà Nẵng có diện tích nhỏ, nguồn đất hạn hẹp. Theo đại diện Bộ Xây dựng, Đà Nẵng có thể phát triển theo hướng như Hong Kong, Singapore. Đó là phát triển dịch vụ, du lịch, công nghệ cao và nên tránh những bất cập đã gặp phải đối với các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM khi cứ mưa nhiều giờ là TP.HCM bị ngập hay Hà Nội cứ giờ cao điểm là ùn tắc.
Thành phố cũng cần tính tới phát triển đồng bộ các loại hình giao thông như giao thông ngầm, trên cao.
Hướng tới thành phố thông minh, cạnh tranh, kết nối
Dẫn lại ý kiến một số nhà quản lý thể thao đang dự Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016 lần thứ 5 trên báo chí nhận định rằng Đà Nẵng có bãi biển dài và đẹp, người dân thân thiện, thức ăn tuyệt vời, Thủ tướng biểu dương những kết quả mà Đà Nẵng đạt được thời gian qua.
Đà Nẵng đã tạo được môi trường đầu tư thông thoáng, nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI; có nguồn nhân lực chất lượng cao. Tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số ở mức cao. Thương hiệu Đà Nẵng, nhất là về du lịch, môi trường, an toàn bước đầu được khẳng định. Việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 9 tháng qua đạt kết quả tốt.
Cơ cấu nguồn thu của Đà Nẵng không chỉ dựa vào đất đai mà từ sản xuất, kinh doanh nội địa, với xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
“Tôi thấy ý kiến đồng chí Bí thư Nguyễn Xuân Anh nêu rất sâu sắc về tốc độ, quy mô, chất lượng phát triển của thành phố như thế nào để xứng tầm là trung tâm của khu vực trong khi các tỉnh trong khu vực cũng phấn đấu phát triển”, Thủ tướng bày tỏ và cho rằng, quy mô nền kinh tế, năng lực sản xuất, dịch vụ của Đà Nẵng còn thấp, nhất là quy mô công nghiệp, thu ngân sách. Chưa có các dự án động lực cho sự phát triển. Đất đai hạn hẹp, chia cắt.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, thành phố phải quyết tâm, phấn đấu phát triển thành phố như một Singapore, một Hong Kong trong tương lai.
Tầm nhìn của Đà Nẵng là trở thành thành phố thông minh, một trung tâm giao thương quốc tế, một thành phố cạnh tranh với các thành phố lớn, đẹp của khu vực và thế giới, mà trước hết là Singapore và Hong Kong, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đà Nẵng phải là điểm đến của nhà đầu tư, du khách, hàng hóa và những ý tưởng sáng tạo như những gì mà Singapore làm được trên bình diện thế giới.
Vì vậy, thành phố phải có chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển của thành phố. Quỹ đất phải huy động tối đa để có nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng với tinh thần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Mô hình phát triển mà Đà Nẵng lựa chọn đòi hỏi thành phố phải là thành phố mở cửa, hội nhập, thu hút và hội tụ được nhân tài, không những trong cả nước mà cả quốc tế. Đà Nẵng phải là thành phố của khoa học công nghệ, có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao, thành phố thông minh, cạnh tranh, kết nối trong nước và các thành phố khác của thế giới.
“Đầu bài đặt ra hôm nay đối với Đà Nẵng là như thế”, Thủ tướng nói và mong muốn thành phố xây dựng một hệ sinh thái cho dịch vụ giáo dục, nghiên cứu và phát triển, khởi nghiệp.
Để là đô thị trung tâm thì vấn đề đặt ra đối với Đà Nẵng còn là phát triển quy mô dân số, không thể để một thành phố động lực, kết nối quốc tế mà quy mô dân số khoảng 1 triệu người như hiện nay.
Đà Nẵng cần coi du lịch là mũi nhọn đột phá, muốn vậy, phải phải hướng tới hoàn thiện hạ tầng, tiện ích công cộng, đào tạo nhân lực, quảng bá hình ảnh. Bên cạnh đó, phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch hội nghị, du lịch qua hành lang Đông – Tây là một hướng ra đối với Đà Nẵng.
Về liên kết vùng, Đà Nẵng có thể khai thác các vùng sản xuất hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp chuyên canh chất lượng cao, quy mô lớn, chi phí thấp. Vì vậy, đầu tư cơ bản kết cấu hạ tầng cho Đà Nẵng cần được đặt ra.
Cho rằng phong trào khởi nghiệp của Đà Nẵng chưa mạnh mẽ, Thủ tướng nhấn mạnh cán bộ, công chức của thành phố phải làm tốt việc này, phải tập trung khởi nghiệp tốt hơn, đặc biệt thu hút đầu tư tốt hơn, kể cả các dự án FDI công nghệ cao. Nhân đây, Thủ tướng biểu dương Đà Nẵng đã không chấp nhận các dự án ảnh hưởng đến môi trường trong thời gian qua.
Đà Nẵng cũng cần tập trung phát triển kinh tế biển, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nỗ lực tạo nền hành chính liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân. Cải cách bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, tìm người tài vào bộ máy. Tiếp tục thực hiện chương trình đề án, kế hoạch mà Đà Nẵng đề ra là “thành phố 5 không, 3 có”, “thành phố 4 an” (An ninh trật tự, An toàn giao thông, An toàn vệ sinh thực phẩm, An sinh xã hội).
Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với kiến nghị của Đà Nẵng, trong đó có các kiến nghị về cơ chế, chính sách như quy định về một số cơ chế đặc thù đối với thành phố Đà Nẵng, cơ chế ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao thành phố Đà Nẵng, Cơ chế liên kết vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung…