Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: An ninh lương thực không chỉ là đủ ăn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”. Tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sau 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia”, ngành nông nghiệp đã có những bước tăng trưởng nhanh, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân; đặc biệt từng bước cụ thể hóa các mục tiêu xuất khẩu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi nông dân trên cánh đồng tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Quang Hiếu. 
Nhưng “cái được” lớn hơn là đi đôi với tăng cường năng lực sản xuất, yếu tố an sinh xã hội được đảm bảo tốt trong những năm qua. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, đến nay chỉ còn dưới 4%. Cả nước đã không còn hộ thiếu đói, đứt bữa; không có tình trạng người giàu thì quá giàu, người nghèo lại quá nghèo.
Mặc dù vậy tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong 10 năm thực hiện Đề án. Đó là liên kết sản xuất, tổ chức thị trường đối với tất cả các ngành hàng còn yếu khiến giá trị nông sản thấp, việc tiêu thụ còn nhiều bấp bênh. Năng suất lao động còn thấp. Quy mô sản xuất dù đã được cải thiện nhưng nhìn chung còn nhỏ, manh mún. Ứng dụng công nghệ trong các khâu, công đoạn sản xuất còn thấp khiến giá thành sản phẩm cao…
Nhấn mạnh an ninh lương thực vẫn sẽ là vấn đề bức thiết, cực kỳ quan trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần giữ vững quan điểm về an ninh lương thực cho người dân, bảo đảm an ninh lương thực vững chắc trong mọi tình huống. “Qua đại dịch Covid-19 mới thấy an ninh lương thực có ý nghĩa như thế nào. Có tiền chưa chắc đã mua được lương thực” - Thủ tướng dẫn chứng.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, việc bảo đảm an ninh lương thực phải trên tinh thần chủ động hơn. Theo đó, cần chốt cụ thể diện tích trồng lúa hàng năm, gắn kế hoạch phát triển nông nghiệp với tái cơ cấu các ngành kinh tế. Chuyển nhận thức phát triển nông nghiệp từ đủ ăn thành một lợi thế đặc thù có tính cạnh tranh cao trong hội nhập…
Thủ tướng nhấn mạnh, an ninh lương thực trong giai đoạn mới cần đáp ứng thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng hợp lý và khoa học, tiến tới chống thấp - bé - còi và nâng cao tuổi thọ của người dân Việt Nam. Chính vì vậy, thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các ngành hàng thực phẩm dinh dưỡng, đặc biệt là sữa. Tăng nhanh thủy sản, thịt đỏ, thịt gà có lợi cho sức khỏe… Cùng với đó, cần đưa ra lời khuyên giảm thịt lợn trong khẩu phần để cân bằng hàm lượng dinh dưỡng từ thực phẩm trên cơ sở khoa học, giảm áp lực cho ngành hàng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh cần chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đẩy nhanh và phổ cập nhóm sản phẩm hữu cơ. Tăng cường liên kết sản xuất giữa các tập đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong phát triển nông nghiệp, phấn đấu ngành hàng nào cũng có “đầu tàu” dẫn dắt thị trường…
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực. Đồng thời, sớm hoàn thiện và thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ, phấn đấu tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay...