Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên.

Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên Đối thoại cấp cao, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 diễn ra chiều 17/1 tại Hà Nội.
Cơ hội, thách thức từ các hiệp định thương mại

Ngày 14/1, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực. Như vậy tính đến nay, Việt Nam đã có 16 hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã và đang ký kết hoặc đang đàm phán, giúp mở rộng cánh cửa của hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20. Đây là một lợi thế rất lớn cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng để tiếp cận được hầu hết các thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên, cơ hội luôn gắn liền với thách thức. Với nền công nghiệp phụ trợ còn yếu và thiếu, nhiều DN Việt Nam vẫn chủ yếu gia công ở giai đoạn cuối trong chuỗi sản xuất, giá trị gia tăng thấp nên khi các FTAs có tính đến quy tắc xuất xứ và năng lực của công nghiệp hỗ trợ thì Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019.  Ảnh: Thống Nhất
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Diene chỉ ra, giá trị nội địa của Việt Nam tương đối thấp so với các nền kinh tế ASEAN khác, chỉ một nửa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được tạo ra tại Việt Nam, phần còn lại là từ nhập khẩu. Nhất là với hàng điện tử, chỉ khoảng 40%, còn lại 60% là nguyên liệu nhập khẩu. “Đây là điều mà Việt Nam cần tập trung phải giải quyết. Theo đánh giá tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mức độ cung cấp của các nhà cung cấp tại Việt Nam chỉ xếp thứ 86/186 quốc gia, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác”- ông Diene chia sẻ, đồng thời cho rằng thu hút FDI mang tính chiến lược là điều hết sức cần thiết. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia là đầu tư vào nguồn nhân lực và kỹ năng, đầu tư vào hạ tầng và tập trung xây dựng năng lực cho các DN địa phương.

"Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định chúng ta có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng" - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc


"Một quốc gia muốn "hoá rồng, hoá hổ" thì phải duy trì được mức tăng trưởng cao, ổn định và đột phá trong chính sách. Khát vọng của Việt Nam là tới năm 2045 sẽ trở thành nước thịnh vượng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày lập nước, có thể đứng trong hàng ngũ những nước thu nhập cao. " - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Eric Sidgwich, năm 2019 những rủi ro về địa chính trị đang ngày càng tăng. Đặc biệt là va chạm thương mại Mỹ - Trung diễn ra hơn 5 tháng qua tiếp tục leo thang làm giảm thương mại toàn cầu. Mỹ và Trung Quốc chiếm xấp xỉ 50% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam nên chắc chắn sẽ tạo ra nhiều thách thức xen lẫn cơ hội. Ông Eric nhận định, năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,8% và nhìn về triển vọng tương lai, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế mở cửa có độ mở lớn và dựa vào FDI, quản lý kinh tế vĩ mô sẽ phải ứng phó nhiều hơn đảm bảo khả năng chống chịu từ bên ngoài đặc biệt là sự suy giảm của toàn cầu.

Số hóa nền kinh tế, không thể đi sau

Theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình, trong Báo cáo “Tương lai số của chúng ta” do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào tháng 10/2018, ước tính đến năm 2022, kinh tế số đóng góp khoảng 60% GDP toàn cầu, cùng với đó là khoảng cách giữa nền kinh tế số và nền kinh tế thực, giữa xã hội số và xã hội thực dần xóa nhòa. Về cơ bản, kinh tế số, xã hội số sẽ tiếp tục là những câu chuyện lớn ít nhất trong cả thập kỷ tới, do đó đây là cơ hội của Việt Nam bởi trong lĩnh vực này, tất cả các quốc gia đều cùng một vạch xuất phát.

Theo các diễn giả, Việt Nam cần sớm hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế số, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) lần thứ 4. Hiện nay đã có trên 40 nước xây dựng các chiến lược, chương trình hành động về CMCN. Đối với Việt Nam, việc chủ động tham gia cuộc CMCN này vừa là yêu cầu tất yếu, khách quan, vừa là thách thức.

Trước hàng trăm đại biểu trong nước và quốc tế, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra 4 yếu tố mang tính nền tảng để Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế số. Thứ nhất, đó là hạ tầng ICT, nền tảng là mạng viễn thông tốc độ cao, băng thông rộng phủ rộng khắp thể hiện là mỗi người dân Việt Nam đều sử dụng smartphone. Thứ hai về mặt chính sách phải chấp nhận cái mới tạo điều kiện cho những mô hình mới phát triển dù có ảnh hưởng đến nền kinh tế truyền thống. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lấy ví dụ nền tảng gọi xe công nghệ Uber thách thức taxi truyền thống, hay công nghệ fintech đang thách thức thanh toán qua ngân hàng. Từ đó, ông cho rằng vấn đề ở đây là "Chính phủ có dám chấp nhận cái mới hay không".

Thứ ba là tạo ra thị trường ban đầu cho các DN chuyển đổi số, coi trọng việc phát triển DN số, giúp DN ứng dụng công nghệ số. Bộ trưởng nhấn mạnh “hộ chi tiêu” lớn nhất là Chính phủ cần chi nhiều hơn cho sản phẩm công nghệ số, thông qua việc xây dựng Chính phủ điện tử, từ đó thúc đẩy hỗ trợ các DN, đặc biệt là những DN khởi nghiệp. Thứ tư là nguồn nhân lực. Trong đó đào tạo phổ thông, tiếng Anh, IT như là bắt buộc và là giải pháp lâu dài, còn trước mắt là các trường đại học, cao đẳng phải đào tạo lại, đào tạo tăng thêm cho lực lượng lao động hiện tại. Bộ trưởng cũng cho biết, trong năm 2019, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ ban hành Đề án Chuyển đổi số quốc gia.

Đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực

Một vấn đề xuyên suốt được các diễn giả nhấn mạnh đó là thể chế, con người vẫn là ưu tiên lớn nhất. CMCN lần thứ 4, kinh tế số, huy động được nguồn lực cả trong nước và nước ngoài, nếu có thể chế tốt sẽ có khoa học và công nghệ. Trong giai đoạn sắp tới phải tiếp tục tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn thu hút nguồn lực và phải làm tốt hơn nữa đáp ứng các Hiệp định thương mại đã, đang và sắp ký, xây dựng một môi trường pháp lý cho kinh tế số. Cuối cùng là nguồn nhân lực, chủ trương của Đảng và Nhà nước xác định rất rõ phát triển KHCN coi KHCN là đột phá, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, trong chiến lược tăng trưởng nhanh, bền vững, Chính phủ Việt Nam xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách là: Đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Thủ tướng nhấn mạnh: “Thể chế, thể chế và thế chế” vẫn là ưu tiên của Chính phủ.

Năm 2019 là một năm đặc biệt quan trọng. Thủ tướng nhận định, đây là năm có vai trò bản lề, nước rút cho việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và cả Chiến lược 10 năm 2011 - 2020. Lắng nghe hiến kế từ đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, mà Diễn đàn này, sẽ truyền cảm hứng mãnh liệt cho người dân, DN khí thế bước vào năm mới, sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ để thực sự tạo ra được sự bứt phá cho nền kinh tế vươn lên.

"Trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đang có nhiều biến động, áp lực cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gia tăng, việc định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng FDI là hết sức cấp thiết. Thu hút FDI tới đây sẽ chọn lọc, khuyến khích gắn kết với DN trong nước, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu trên nguyên tắc đa phương hoá, đa dạng hoá bảo đảm tính độc lập của nền kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia... Bộ KH&ĐT đã soạn thảo đề án về FDI và Chính phủ sẽ trình để Bộ Chính trị xem xét Nghị quyết chuyên đề về thu hút, sử dụng vốn FDI." - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng


"Việt Nam cần hướng tới tăng trưởng cao cả về con số và chất lượng. Tăng trưởng chất lượng cao là tăng trưởng bao trùm đem lại lợi ích cho toàn bộ người dân Việt Nam. " - Ông Kyle Lelhofer – Giám đốc quốc gia IFC Việt Nam


"Kinh tế tư nhân Việt Nam nếu được phát huy đúng và hiệu quả sẽ làm tăng sự thịnh vượng của đất nước. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tiếp tục phát triển hạ tầng hàng không, sân bay, tận dụng tốt CMCN 4.0 để nâng cao năng suất lao động, chất lượng, thu hút chất xám nhân lực toàn cầu. " - Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Vietjet Air