Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đến nay, cả nước có khoảng 4.500 DN kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. 10 năm qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đã tăng hơn 2,7 lần, từ 2,3 tỷ USD năm 2007 lên hơn 8 tỷ USD vào năm 2017, đưa ngành chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị |
Từ tiềm lực hiện có và nhu cầu thị trường, Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước, đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, tiến tới thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu; nâng thị phần thương mại đồ gỗ thế giới của Việt Nam từ 6% hiện nay lên khoảng 10% vào năm 2025.
"Ngành gỗ Việt Nam cần kiên trì, kiên quyết nói không với gỗ bất hợp pháp, bởi thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là các nước phát triển, nơi người tiêu dùng rất quan tâm tới bảo vệ môi trường. Bên cạnh thực thi các giải pháp truy xuất nguồn gốc, ngành chế biến gỗ cần tuân thủ quy tắc xuất xứ để đảm bảo gỗ xuất khẩu hoàn toàn là sản phẩm của Việt Nam…” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh. |
Nhiều ý kiến đánh giá, chất lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng trong nước còn thấp do rừng khai thác sớm ở tuổi non, gỗ có đường kính nhỏ. Mặc dù khối lượng gỗ khai thác từ rừng trồng lớn nhưng số lượng dùng để chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất còn hạn chế… Thời gian tới, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ 20 - 30% nhu cầu nguyên liệu.
Đánh giá cao, biểu dương nông dân trồng rừng, doanh nhân và người lao động trong ngành chế biến gỗ đối với sự phát triển của ngành chế biến gỗ và lâm sản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành chế biến gỗ và lâm sản cần sớm khắc phục. Đó là quy mô DN còn nhỏ, chất lượng gỗ nguyên liệu còn thấp, gỗ có chứng chỉ chiếm tỷ lệ chưa cao, giá trị xuất khẩu sản phẩm thô thấp. Đặc biệt, liên kết chuỗi còn rất hạn chế…
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm chính phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản, với mục tiêu trong 10 năm tới, ngành này phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của nền kinh tế đất nước; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm toàn cầu về sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ có thương hiệu, có uy tín trên thế giới.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm quan một gian hàng bên lề hội nghị |
Để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển trồng rừng nguyên liệu, rừng gỗ lớn; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ chọn tạo giống, trồng và chăm sóc rừng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng. Ngoài khai thác và sử dụng có hiệu quả 2,8 triệu héc-ta rừng trồng sản xuất hiện có, ổn định diện tích khai thác rừng khoảng 200.000 - 250.000ha/năm, Việt Nam cần phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng của thế giới từ nguồn gỗ hợp pháp, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
“Việt Nam cần tái cấu trúc ngành công nghiệp gỗ cả đầu vào lẫn đầu ra, tăng năng suất lao động ngành gỗ. Đặc biệt, cần hạn chế tối đa xuất khẩu dăm gỗ, bởi xuất khẩu dăm gỗ tốn rất nhiều nguyên liệu nhưng giá trị kinh tế đạt thấp…” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Nguyễn Xuân Hoài. |