Tại các cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Luxembourg yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam, với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho biết, đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.
Trong cuộc tiếp ông Luc Provost, Giám đốc Điều hành (CEO) Tập đoàn B-Medical Systems - tập đoàn lớn của Bỉ về công nghệ y tế, dược phẩm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các thiết bị và sản phẩm y tế chất lượng cao của Tập đoàn B-Medical Systems, qua đó góp phần vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên thế giới; hoan nghênh và đánh giá cao kế hoạch hợp tác của B-Medical Systems với Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Việt Nam. Việc nghiên cứu, hợp tác chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y tế là chủ trương lớn của Việt Nam nằm trong chiến lược vaccine.
Thủ tướng đề nghị B-Medical Systems tiếp tục nghiên cứu đầu tư sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao, chất lượng tại Việt Nam, đồng thời tăng cường chuyển giao công nghệ cho các đối tác Việt Nam trong thời gian tới. Đây là một trong những lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam khuyến khích thu hút và hợp tác đầu tư. Chính phủ Việt Nam khẳng định sẽ cùng đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn đầu tư kinh doanh có hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.
Tiếp ông Maxim Straus, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính và các lãnh đạo Tập đoàn Cargolux - tập đoàn của Luxembourg về vận tải hàng không và là một trong những hãng hàng không vận chuyển hàng hóa lớn nhất châu Âu - Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động hợp tác, kinh doanh hiệu quả của Cargolux tại Việt Nam trong hơn 15 năm qua, góp phần kết nối hàng hóa, thị trường Việt Nam với thị trường châu Âu và thế giới. Đặc biệt, cảm ơn Cargolux đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ vận chuyển vaccine, thiết bị y tế, nhu yếu phẩm giúp Việt Nam trong giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Thủ tướng hoan nghênh việc Cargolux hợp tác với các hãng hàng không của Việt Nam nhằm mở rộng mạng lưới đường bay, hệ thống vận chuyển hàng hóa nội địa và trong khối ASEAN. Việt Nam sẵn sàng trở thành điểm trung chuyển chính của Cargolux tại Đông Nam Á. Chính phủ cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Cargolux mở rộng hoạt động hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tiếp bà Daniela Cattolico, Phó Chủ tịch thứ hai kiêm Giám đốc Khối Kinh doanh và Logistics và lãnh đạo Tập đoàn SMS/Paul Wurth – chuyên cung cấp công nghệ luyện kim trên phạm vi toàn cầu, với doanh thu khoảng 2,6 tỷ euro trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao hoạt động đầu tư kinh doanh thành công, có hiệu quả của Tập đoàn SMS/Paul Wurth trên thế giới và hoan nghênh đề xuất, kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, với bề dày kinh nghiệm và công nghệ hiện đại, đề nghị Tập đoàn nghiên cứu hỗ trợ, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác Việt Nam để nâng cao năng lực, trình độ và mô hình kinh doanh, tiến tới đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), giảm thiểu tác động môi trường và hướng tới nền kinh tế xanh, sạch, góp phần thúc đẩy mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam đến năm 2050. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Paul Wurth tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và phát triển chuỗi cung ứng nội địa.