Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tránh tình trạng có tiền mà không giải ngân được

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ LĐTB&XH cùng các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục “nhìn thẳng vào sự thật, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân và doanh nghiệp thụ hưởng thật thành quả”.

 Giảm nghèo là điểm sáng của Việt Nam
Ngày 19/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Bộ LĐTB&XH về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, những nhiệm vụ tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các công việc có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, cùng đề xuất, kiến nghị của ngành. Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, 5 năm qua, Bộ đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hành động, “dám nghĩ, dám làm” với nhiều cách làm mới, sáng tạo, tập trung thực hiện tốt đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội - mức cao nhất trong số các nước ASEAN, nhờ đó đã cơ bản thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thông qua chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ và chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đã có hơn 14,4 triệu người được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 33.000 tỷ đồng.

 Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH cùng các cấp, các ngành nhìn thẳng vào sự thật, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật.
Trong 5 năm qua, đời sống người có công không ngừng được nâng lên; hằng năm ngân sách nhà nước dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi người có công và thân nhân.
“Giảm nghèo là điểm sáng của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, coi đây là một trong những câu chuyện thành công nhất và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Kết quả tạo việc làm đạt thành công nổi bật, tạo được hàng triệu việc làm mới với mức thu nhập tốt hơn, là một trong 10 nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Vị thế, vai trò và kết quả của giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tích cực; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên 64,5%.
Chính sách BHXH, Bảo hiểm y tế từng bước trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt việc phát triển BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, trên 90% dân số đã tham gia Bảo hiểm y tế.
Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, trẻ em được bảo vệ và chăm sóc, xây dựng môi trường sống an toàn. Khảo sát gần đây của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy niềm tin của Nhân dân về chính sách xã hội, bảo đảm an sinh, chính sách người có công không ngừng tăng, tỷ lệ đánh giá tốt chiếm 72%, tỷ lệ đánh giá tốt về xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm chiếm 68%.
Nhìn thẳng vào sự thật, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong thời gian vừa qua, Bộ LĐTB&XH và ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực nổi bật như trong lĩnh vực giảm nghèo là điểm sáng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, Nhân dân đánh giá cao. Thị trường lao động tiếp tục phát triển, nguồn nhân lực tăng lên cả về số lượng và chất lượng, nhân lực trong một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế. Chính sách ưu đãi người có công, an sinh xã hội được thực hiện nghiêm túc, có đột phá. Công tác trợ giúp xã hội ngày càng được mở rộng, diện bao phủ tốt hơn.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, Bộ và ngành còn những nhóm công việc chưa làm tốt: Thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, chưa hiện đại, thiếu tổng thể, liên thông; năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, trong đó có trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn chậm cải thiện; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa thật sự tương xứng với nhiệm vụ của ngành và đòi hỏi của thực tiễn. Tỷ lệ bao phủ BHXH còn thấp, chính sách BHTN chưa thực sự trở thành công cụ hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 (gói 62.000 tỷ đồng) còn nhiều bất cập. Ngân sách đã có, phải “tiêu đúng, tiêu trúng, có hiệu quả”, tránh tình trạng có tiền mà không giải ngân được.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ LĐTB&XH cùng các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục “nhìn thẳng vào sự thật, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân và doanh nghiệp thụ hưởng thật thành quả”. Bộ LĐTB&XH và ngành tiếp tục thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong đó tập trung vào 9 tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ lớn.
Tán thành với các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà Bộ LĐTB&XH báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, tập trung khắc phục những tồn tại, yếu kém, những việc kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được. Trong đó, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trên các lĩnh vực; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, giảm phiền hà cho Nhân dân.
Bộ và ngành LĐTB&XH trung triển khai Kết luận 92 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; huy động nguồn lực hỗ trợ các đối tượng yếu thế, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; quan tâm tạo môi trường cho trẻ em phát triển, thúc đẩy bình đẳng giới. Tiếp tục hoàn thiện và phát triển thị trường lao động, nhất là lao động chất lượng cao; xây dựng và hoàn thiện lưới an sinh xã hội, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn trong lĩnh vực quản lý.
Thủ tướng ủng hộ quyết tâm của Bộ trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát nhất là tại các huyện nghèo, tinh thần là “càng sớm càng tốt”. Bộ LĐTB&XH nghiên cứu điều chỉnh khung pháp lý, chính sách phù hợp với tốc độ già hóa dân số.
Cùng với việc nâng cao hiệu quả quản lý công tác xuất khẩu lao động, khai thác, phát huy hiệu quả thị trường lao động ở nước ngoài, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTB&XH tiếp tục phối hợp triển khai tốt công tác hỗ trợ, giải cứu người lao động Việt Nam tại các nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.