Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng: Phấn đấu mỗi năm giảm ít nhất 2,5% biên chế

Nguyễn Đức Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo trước Quốc hội chiều 18/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tâm huyết, trách nhiệm các báo cáo của Chính phủ và đã thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội năm 2018.

Tại kỳ họp, đa số ý kiến của các ĐBQH đều đánh giá cao kết quả đã đạt được về KT-XH trong năm 2017 với 13/13 chỉ tiêu đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao; các chỉ số vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; tạo không khí phấn khởi trong làm ăn kinh doanh và trong toàn xã hội; triển khai hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao...
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Về công tác đối ngoại, Thủ tướng thông tin Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò nước chủ nhà Năm APEC 2017, tổ chức chu đáo các hoạt động theo chương trình đề ra và đón Nguyên thủ một số quốc gia thăm cấp Nhà nước, đạt nhiều kết quả hợp tác chiến lược quan trọng.

Đến nay Việt Nam đã ký kết, thực thi 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đang hoàn tất ký kết, phê chuẩn 2 Hiệp định và đàm phán 4 Hiệp định khác, trở thành một mắt xích ngày càng quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế khu vực, toàn cầu.

Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng; hiện Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 230 quốc gia, vùng lãnh thổ...
Môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, cho hay xuất khẩu tháng 10 đạt 20,29 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch 10 tháng đạt 174,5 tỷ USD, tăng 21,3%; xuất siêu 2,56 tỷ USD.

Đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân tiếp tục khởi sắc; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%; có trên 105 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 43,8% về vốn đăng ký và gần 23 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Ngân hàng Thế giới vừa công bố xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.
Phấn đấu mục tiêu mỗi năm giảm ít nhất 2,5% biên chế

Thủ tướng thông tin, từ năm 2015 đến nay đã tinh giản biên chế được trên 30.000 người. Chính phủ cũng tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.... Tuy nhiên, cải cách hành chính nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2021, mỗi năm giảm ít nhất 2,5% biên chế trong cả hệ thống chính trị; bảo đảm nguyên tắc không thành lập mới tổ chức làm tăng biên chế, trừ trường hợp đặc biệt được lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê duyệt chính thức.
Hậu quả của bão lũ, thiên tai rất nặng nề

Về công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ đầu năm đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng 13 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới, trong đó các cơn bão số 10, 12 cường độ mạnh kèm theo mưa lũ rất lớn gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung.

Tính từ đầu năm, thiên tai đã làm 363 người chết, mất tích; hàng trăm nghìn ngôi nhà bị sập, hư hỏng; hàng trăm nghìn hec-ta lúa, hoa màu và hàng chục nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hàng nghìn tàu thuyền bị chìm và hư hỏng; ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều thách thức mới đã nảy sinh đối với công tác phòng chống thiên tai, như bão xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong năm, đổ bộ vào những địa phương rất ít khi có bão; bão kèm theo mưa rất lớn trong thời gian ngắn gây ra lũ quét, sạt lở, uy hiếp an toàn đê điều, hồ đập.

Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động vào cuộc cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp phòng chống, ứng phó và khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất, đời sống...

Tuy nhiên, công tác phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều hạn chế. Khả năng dự báo, năng lực ứng phó chưa đáp ứng yêu cầu; việc điều hành liên hồ chứa còn bất cập. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, trong khi chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung rà soát, hoàn thiện các chiến lược, cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó và thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hoàn thiện các quy hoạch, trong đó có quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch sản xuất nông nghiệp.