Chỉ thị nêu rõ, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về gia đình nhằm phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.
Tuy nhiên, tình trạng ly hôn, ly thân, tảo hôn, phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp, tình trạng mua bán người... có chiều hướng gia tăng, tệ nạn xã hội tiếp tục xâm nhập vào gia đình đặc biệt gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chưa thực hiện nghiêm và có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về gia đình; công tác truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống chưa phát huy hiệu quả cao; nhất là chưa xem việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình là nền tảng, là tiền đề để hình thành nhân cách con người, từ đó kết hợp với giáo dục đạo đức, lối sống ở nhà trường, cộng đồng và xã hội; nhiều gia đình còn xao nhãng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trẻ trong gia đình; chưa nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Để đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm túc có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, đề án, chiến lược về lĩnh vực gia đình; đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc thù của các bộ, ngành, địa phương.
Xây dựng, triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, triển khai trong năm 2017 bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong đó nhấn mạnh nội dung về giáo dục đạo đức, lối sống; đẩy mạnh các giải pháp thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực gia đình; chủ trì tổ chức, hướng dẫn việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường thực hiện nội dung giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Bộ Công an, các Bộ, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới gia đình, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em.Bộ Tư pháp tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về gia đình. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; bố trí thời gian đưa tin, phát sóng lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống gia đình trong các kênh quảng bá để thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo quần chúng nhân dân.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động trong lực lượng vũ trang.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai, bố trí nguồn lực của địa phương cho các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn; tổ chức triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.