KTĐT - Sự chênh lệch cung cầu lao động, theo ông Tuấn không phải là điều mới mẻ. Uớc tính sau Tết Canh Dần, thành phố cần hơn 50.000 lao động, nhiều nhất vẫn là chỉ tiêu lao động có tính chất thời vụ, phổ thông, dịch vụ.
Thông thường sau dịp Tết là thời điểm các doanh nghiệp ồ ạt tuyển lao động trở lại sẽ khiến thị trường lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh sôi động.
Tuy nhiên, tại các trung tâm giới thiệu việc làm thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố sau Tết, người lao động thưa thớt tìm việc, giảm hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉ lệ lao động làm việc trở lại chỉ ở mức 70-80%.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng nguyên nhân là người lao động chưa kịp trở lại làm việc do đường sá xa xôi, đi lại khó khăn; một bộ phận tìm được việc ở quê. Bên cạnh đó, mức lương “hứa hẹn” mà các doanh nghiệp đưa ra chưa thu hút người lao động trong khi giá cả tăng cao.
Ông Bùi Thanh Ngọc, chuyên viên Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Ban quản lý Khu chế xuất Tân Thuận cho biết, có 3 thời điểm người lao động đi xin việc nhiều nhất là sau Tết, qua rằm tháng Giêng và hết tháng Giêng âm lịch.
Tại khu công nghiệp, người lao động đến tìm việc thưa thớt và ít hơn năm ngoái, trong khi các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển chủ yếu là nhóm ngành điện-điện tử, ngành may mặc thiếu hụt lao động trầm trọng.
Sự chênh lệch cung cầu lao động, theo ông Tuấn không phải là điều mới mẻ. Uớc tính sau Tết Canh Dần, thành phố cần hơn 50.000 lao động, nhiều nhất vẫn là chỉ tiêu lao động có tính chất thời vụ, phổ thông, dịch vụ.
Ngay cả đối với nhóm ngành điện-điện tử, cơ khí thì doanh nghiệp cũng chủ yếu tuyển lao động ở vị trí chào bán, dịch vụ, lắp ráp hơn là chế tạo.
Đây là lý do chủ yếu để người lao động sẵn sàng “nhảy việc”, di chuyển đến một số khu công nghiệp ở một số tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai... với mức lương không chênh lệch nhiều, nhưng giá cả rẻ hơn.
Sự chênh lệch cung cầu lao động còn cho thấy người lao động đã được coi trọng hơn, chính tâm lý lựa chọn công việc của người lao động sẽ là yếu tố tự điều chỉnh và tái cấu trúc lại nguồn nhân lực của thành phố./.