Ngân hàng "ế" vốn
Hai tuần trước, có tiền nhàn rỗi hơn 1 tỷ đồng, chị Nguyễn Thùy Liên (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định đi tham khảo thị trường để gửi tiết kiệm. Dạo một vòng qua các ngân hàng khu vực Cầu Giấy, chị đều nhận được những cái lắc đầu về việc mặc cả LS. "Trước đây, với số tiền lớn, tôi thường gửi được lãi suất cao hơn LS niêm yết. Vậy mà đợt này, nhân viên ngân hàng đều nói, LS đang có xu hướng hạ và khuyên tôi gửi nhanh vì thời gian tới LS còn hạ nữa" - chị Liên cho biết.
Kích cầu tín dụng vẫn là bài toán khó với nhiều ngân hàng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh Lienvietpost bank. Ảnh: Nha Trang
Từ mấy ngày qua, làn sóng giảm LS huy động tại các ngân hàng ngày càng lan rộng. Theo đó, ngày 20/3, Vietcombank chính thức công bố giảm LS huy động một số kỳ hạn. Cụ thể, LS kỳ hạn từ 1 - 3 tháng giảm từ mức kịch trần 8%/năm xuống còn 7,5%/năm. Kỳ hạn trên 12 tháng, LS giảm từ 10,5%/năm xuống còn 9,5%/năm. Từ ngày 14/3, ACB cũng giảm LS tiền gửi có kỳ hạn truyền thống 0,2% đối với các kỳ hạn 1 - 6 tháng, niêm yết ở mức 7,8% đối với hình thức lãi cuối kỳ và 7,7% với hình thức lãi tháng. Riêng kỳ hạn 9 tháng hình thức lãi tháng LS chỉ là 7,6%. Tại VIB, LS huy động tiền đồng cũng về mức 8%/năm đối với kỳ hạn từ 1 - 9 tháng.
Nguyên nhân của đợt giảm LS lần này theo lãnh đạo nhiều ngân hàng là do thanh khoản ngân hàng đã dồi dào. Bà Vương Kim Oanh, Giám đốc điều hành VIB Hà Nội cho biết, hiện, các ngân hàng đang thừa vốn, huy động vào nhiều nhưng cho vay ra được rất ít. Thời điểm sau Tết, nhu cầu đầu tư của người dân và DN không nhiều. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán hay vàng đều èo uột và bấp bênh nên không ai mặn mà với việc vay vốn. "Đó là lý do khiến ngân hàng phải hạ LS đầu vào, vì càng huy động vào, ngân hàng càng lỗ vì không cho vay ra được" - bà Oanh nói.
Báo cáo mới nhất của NHNN cho biết, trong tháng 2/2013, dư nợ tín dụng đã tăng 0,26% từ mức giảm 1,23% trong tháng 1. Tính chung 2 tháng đầu năm 2013, tín dụng giảm 0,28% so với cuối năm 2012, thấp hơn mức giảm 1,88% trong 2 tháng đầu năm 2012. Trong khi đó, huy động vốn đã tăng trở lại từ cuối tháng 1 và tăng 2% so với cuối năm 2012, tính đến hết tháng 2 gấp hơn 2 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2012.
Khó kích cầu tín dụng
Việc các ngân hàng giảm LS đầu vào được hy vọng sẽ kéo LS đầu ra giảm theo, hỗ trợ DN giảm chi phí giá vốn. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc các ngân hàng chủ động cắt giảm LS huy động là rất đáng hoan nghênh. LS huy động VNĐ giảm sẽ kéo LS cho vay xuống.
Trong khi đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, kỳ vọng giảm thêm LS tiền gửi để giảm LS tiền vay là không khả thi. Lý do, năm nay, "vùng mục tiêu lạm phát" được xác định trong khoảng 6 - 8%, với mức LS tiền gửi ngắn hạn hiện nay 8% và tham chiếu yếu tố lạm phát trong 3 tháng đầu năm, rõ ràng dư địa để giảm LS tiền gửi nhằm làm cơ sở giảm LS tiền vay không còn nhiều và nếu có, chỉ có thể giảm thêm 1%, tương ứng mỗi quý giảm 0,25%. Vì vậy, mong muốn giảm LS tiền vay trong 2013 chỉ có thể trông chờ vào các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, bài toán kích cầu tín dụng theo nhiều ngân hàng hiện vẫn rất khó. Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết, với những khách hàng tiềm năng, ngân hàng thậm chí còn giành nhau cho vay. Nhưng số lượng DN này hiện chỉ "đếm trên đầu ngón tay".
Hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, DN không đạt chuẩn... khiến mối quan hệ giữa ngân hàng và DN khó "cơm lành, canh ngọt". "Môi trường kinh doanh bây giờ khó khăn. Vay vốn, vốn không sinh lời mà chỉ để trả lãi cho ngân hàng thì dù 8% hay 10% hay mức thấp hơn cũng chịu. DN hiện trong tình trạng cố duy trì sản xuất mà không dám mạo hiểm vay ngân hàng bằng mọi giá" - ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Công ty Rượu Zenka cho biết.
Trong bối cảnh DN chưa sẵn sàng đầu tư trung hạn thì bài toán tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng và của cả nền kinh tế xem ra vẫn khó. Và câu chuyện làm thế nào để DN phục hồi sản xuất không chỉ trông chờ vào các chính sách tiền tệ mà đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, đầu tháng 3/2013, Bộ Chính trị đã thông qua Đề án xử lý nợ xấu và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia. Hiện tại, NHNN đã trình Chính phủ các đề án trên. Dự kiến, trước ngày 23/3, Chính phủ sẽ ký quyết định phê duyệt đề án xử lý nợ xấu và ban hành Nghị định về việc thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia. Theo số liệu mới nhất của NHNN, nợ xấu hiện đã giảm từ hơn 8% năm 2012 xuống còn 6%. |