Dấu hiệu hạ nhiệt của CPI cho thấy giá thị trường đang có xu hướng ổn định, tác động tích cực đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đà tăng chậm lại
Với đà tăng đã chậm lại trong tháng qua, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2011 đã tăng 16,03% so với bình quân cùng kỳ năm 2010. CPI tháng 6 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,25 - 1,79%. Dẫn đầu về mức tăng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 1,79%; trong đó, thực phẩm tăng 2,47%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,16% và lương thực tăng 0,33%. Tiếp theo là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác với mức tăng là 0,86% do ảnh hưởng của chi phí sinh hoạt tăng; nhóm văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,77%. Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,76% do nhu cầu giải khát mùa hè tăng cao, cộng với giá nguyên liệu đầu vào tăng nên đồ uống không cồn đã tăng 0,93%, rượu bia tăng 0,97%...
Theo các chuyên gia kinh tế, tháng 6 là tháng thứ hai liên tiếp CPI có dấu hiệu tăng chậm lại. Nguyên nhân là do các giải pháp giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ được triển khai đồng bộ đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh các giải pháp kiềm chế lạm phát như cắt giảm vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, tiết kiệm 10% chi thường xuyên, chương trình bình ổn giá năm 2011 đã được nhiều địa phương triển khai tích cực.
Tổ điều hành thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định, giá cả hàng hóa trong nước và quốc tế sẽ còn giảm trong quý III tới. Thực tế, trong tháng 6, nhiều mặt hàng thiết yếu đã có dấu hiệu chững lại hoặc giảm giá, như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng... do nguồn cung dồi dào. Từ nay tới cuối năm, nhiều yếu tố thuận lợi sẽ kìm giữ đà tăng giá nếu chúng ta thực hiện tốt các chính sách về tiền tệ, tỷ giá, lãi suất...
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đứng trước nhiều khó khăn. Việc Chính phủ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nguy cơ lạm phát vàviệc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều quốc gia trên thế giới kèm theo áp lực tăng giá tâm lý sau khi có sự điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu trong nước như xăng, điện, than... đã làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, tăng giá hàng tiêu dùng. Những yếu tố này có thể còn gây khó khăn cho việc kiềmchế lạm phát.
Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa cũng cảnh báo: Lạm phát có thể sẽ tăng trở lại nếu không có những đối sách hợp lý trong việc quản lý, điều hành giá cả thị trường từ nay đến cuối năm. Vì vậy, để kiềm chế tăng giá và kiểm soát giá các mặt hàng trong những tháng cuối năm, bên cạnh việc bảo đảm cung - cầu hàng hóa, Bộ Tài chính sẽ kiểm soát chặt yếu tố hình thành giá của những mặt hàng thiết yếu qua việc đăng ký giá, kê khai giá và công khai thông tin về giá, nhất là đối với các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng thiết yếu. Với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Bộ sẽ có những giải pháp điều hành phù hợp nhằm thực hiện theo lộ trình giá thị trường, nhưng vẫn có sự điều chỉnh hợp lý, bảo đảm khi giá thế giới giảm, giá trong nước cũng giảm ngay cho phù hợp./.
"CPI tháng 6 giảm còn do thuận lợi từ giá thế giới. Hiện giá dầu thô chỉ đứng ở mức trên 90 USD/thùng. Dù giá xăng dầu trong nước chưa giảm, song Chính phủ cũng đã không điều chỉnh giá điện trong tháng 6, là yếu tố thuận lợi để chỉ số giá tháng này giảm". - PGS - TS Ngô Trí Long - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứuthị trường giá cả |