Qua một năm thí điểm cho thấy, quy trình giải quyết đã đơn giản hơn, tạo nhiều thuận lợi cho các tổ chức, công dân khi đến giao dịch và cũng tạo điều kiện cho công tác giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ viên chức, nhân viên…
“Nâng cấp” con người và cơ sở vật chất
Ngay khi bắt đầu triển khai Đề án, Trung tâm DVVL Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác điều hành các hoạt động để thực hiện có hiệu quả theo chỉ đạo của TP. Trung tâm áp dụng bộ danh mục gồm 11 DVC thí điểm thực hiện cơ chế “một cửa”, như: Đăng ký BHTN, đề nghị hưởng BHTN, thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng… Việc giải quyết chính sách BHTN theo cơ chế này được tổ chức tại 6 điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết BHTN trên địa bàn Hà Nội. Sau khi được cấp kinh phí, Trung tâm đã trang bị cơ sở vật chất đồng bộ cho cả 6 điểm tiếp nhận nhằm đảm bảo yêu cầu về thời gian thực hiện Đề án thí điểm đã được UBND TP phê duyệt.
Đáng chú ý, bộ thủ tục hành chính về BHTN được công khai rõ ràng, cùng quy trình giải quyết đơn giản hơn nhiều so với trước. Công tác tư vấn cho người lao động (NLĐ) về việc làm, học nghề, quy trình giải quyết BHTN hiệu quả hơn. Nhiều NLĐ đã được bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giới thiệu việc làm mới phù hợp ngay trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm được nâng cao hơn về chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, với thái độ và tác phong phục vụ cũng tốt hơn do đã được tập huấn chuyên sâu trước khi “bắt tay” vào Đề án. Thực tế cho thấy, đa số NLĐ đến giao dịch đều hài lòng về phong cách, thái độ phục vụ và tinh thần làm việc của đội ngũ viên chức, nhân viên; và qua hòm thư góp ý, Trung tâm cũng nhận được một số thư cảm ơn của NLĐ về sự phục vụ của viên chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Không để hồ sơ quá hạn
Kết quả từ 1/7/2014 - 8/2015, Trung tâm DVVL Hà Nội đã tiếp nhận hơn 20.400 hồ sơ đăng ký BHTN, 38.700 hồ sơ đề nghị hưởng BHTN, hơn 139.000 lượt hồ sơ thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng… Tiếp nhận hồ sơ giải quyết chính sách BHTN theo bộ DVC đã được công bố, thực hiện bằng quy trình khép kín, Trung tâm luôn cố gắng giải quyết chính sách đúng hạn, không có tình trạng hồ sơ tồn đọng, trong đó tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 100%.
Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội Nguyễn Toàn Phong cho biết: Nhằm kịp thời theo dõi về chất lượng DVC, Ban Thanh tra Nhân dân của Trung tâm đều đặn mỗi tháng kiểm tra một lần hoặc đột xuất kiểm tra hoạt động theo dõi, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của khách hàng về chất lượng DVC và thái độ phục vụ của viên chức, nhân viên làm việc tại các điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết BHTN. Từ đó, Ban có biên bản cụ thể đối với từng điểm giao dịch và có báo cáo Giám đốc khi nhận được phản ánh của khách hàng về chất lượng dịch vụ cũng như biểu hiện lơi là, thiếu trách nhiệm của các viên chức, nhân viên tại đây, nhằm có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Tuy nhiên, có một hạn chế mà theo lãnh đạo Trung tâm DVVL Hà Nội nhận định là các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách BHTN của Nhà nước hiện còn chậm trễ nên công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của nhân viên, viên chức Trung tâm còn lúng túng, bị động. Để thực hiện cơ chế “một cửa” trong cung cấp DVC giải quyết chính sách BHTN đi vào hiệu quả thiết thực, Trung tâm cũng kiến nghị UBND TP sớm phê duyệt và ban hành Quyết định công bố bộ DVC sửa đổi, bổ sung trong giải quyết chính sách BHTN thực hiện cơ chế này tại đơn vị.
Giải quyết chính sách BHTN theo cơ chế “một cửa” tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
|
Thực hiện “một cửa” trong giải quyết chính sách BHTN, đã có 6/11 DVC được rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định (trong đó DVC được rút ngắn nhất là 8 ngày trong tổng thời gian giải quyết 20 ngày theo quy định trước khi thực hiện Đề án). Bên cạnh đó, hầu hết yếu tố được khảo sát đều có chỉ số hài lòng của khách hàng đạt trên 70%, trong đó “sự phục vụ của công chức, viên chức, nhân viên” có chỉ số đánh giá cao nhất (89,3%).
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn
|