Cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền, thời gian qua, HĐND TP đã thực hiện nghiêm túc việc ban hành các nghị quyết quy định những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, định hướng lâu dài, là tiền đề để các cấp chính quyền của TP tổ chức triển khai thực hiện. Ngoài 17 nghị quyết cụ thể hóa các nội dung của Luật, HĐND TP còn ban hành 2 nghị quyết quy định chi tiết đảm bảo thi hành Luật. Trong đó có Nghị quyết số 04 năm 2017 về việc thông qua đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
|
Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội khảo sát dự án trạm cấp nước sạch thị trấn Đại Nghĩa. Ảnh: Minh Hiền |
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, để Luật Thủ đô đi vào đời sống, HĐND TP đã thường xuyên giám sát các cơ quan có liên quan trong việc thực thi các quy định của Luật, Nghị quyết HĐND. Chỉ tính từ năm 2014 đến hết năm 2017, đã có 15 cuộc giám sát của Thường trực HĐND TP, 105 cuộc giám sát, khảo sát của các Ban HĐND TP về các nội dung nghị quyết ban hành. “Nhiều chủ đề theo quy định của Luật Thủ đô được HĐND TP chất vấn, giám sát, khảo sát nhận được sự quan tâm rất lớn của đại biểu HĐND, được dư luận cử tri và Nhân dân Thủ đô đồng tình, đánh giá cao. Điển hình như việc thực hiện quy định về trường chất lượng cao; quản lý, sử dụng biệt thự, nhà thuộc sở hữu Nhà nước; cải tạo, xây dựng chung cư cũ; phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng; việc triển khai các biện pháp đảm bảo thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; xử phạt lĩnh vực đất đai, xây dựng, vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy...” – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP cho biết.
Kiến nghị khắc phục hạn chếTuy nhiên, sau 5 năm triển khai Luật Thủ đô, vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Một số văn bản đến nay chưa được ban hành, như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đối với khu vực cải tạo, tái thiết đô thị tại các 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Nguyên nhân chậm là do để ban hành được quy chuẩn, tiêu chuẩn này phải nghiên cứu kỹ, bởi đây là khu vực nội đô lịch sử. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng nghề trên địa bàn Thủ đô theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước hiện vẫn đang chờ Chính phủ phê duyệt. Việc phối hợp giữa các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô để thi hành các quy định của pháp luật về Luật Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế do chưa có quy chế cụ thể, mới chỉ dừng lại ở việc thực hiện quy hoạch xây dựng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Để Luật Thủ đô phát huy được tối đa hiệu quả khi đi vào cuộc sống, HĐND TP Hà Nội đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung một số quy định đặc thù để Hà Nội thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo kết luận của Bộ Chính trị. Đồng thời, cho phép mở rộng phạm vi lĩnh vực quản lý xã hội mà HĐND TP được quy định mức xử phạt cao hơn mức phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với một số lĩnh vực cần thiết, cấp bách. Đề xuất Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng quy hoạch, di dời các cơ quan, trường học, bệnh viện trong khu vực nội thành và bàn giao đất để TP quản lý theo thẩm quyền, thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định…