Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hành phong cách “trọng Dân, gần Dân, hiểu Dân, học Dân và có trách nhiệm với Dân”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là vấn đề Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư Thào Xuân Sùng đề cập đến trong tham luận tại Đại hội lần thứ XII của Đảng, sáng 23/1.

Theo đồng chí Thào Xuân Sùng, hơn 85 năm qua, đặc biệt qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), trong xây dựng quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, Đảng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc như: Đảng gắn bó với Nhân dân và được Nhân dân ủng hộ, đã làm nên “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Đảng chăm lo xây dựng quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, là nhân tố có ý nghĩa quyết định tạo nên sức mạnh của Đảng. Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Đảng đã lãnh đạo và cùng Nhân dân đấu tranh kiên quyết, kiên trì phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, tạo được sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân ta đối với Đảng và tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân…

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đồng chí Thào Xuân Sùng cho rằng: Trong những năm tới, Đảng cần đẩy mạnh lãnh đạo có hiệu quả công cuộc đổi mới và tăng cường việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước theo hướng phát huy dân chủ và xây dựng Nhà nước ta thực sự là của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân để đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân.

Trong đó, các cấp ủy, tổ chức đảng phải đặc biệt chú trọng lựa chọn, giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước có trình độ trí tuệ, năng lực chuyên môn, đạo đức cách mạng, thực sự là “công bộc” của Nhân dân, thực hành phong cách “trọng Dân, gần Dân, hiểu Dân, học Dân và có trách nhiệm với Dân”; quan tâm lãnh đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng về cơ sở và gắn bó mật thiết với các tầng lớp Nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.

Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục tổng kết, nghiên cứu lý luận, làm rõ vị trí và mối quan hệ giữa Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách Đảng vừa là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, đồng thời vừa là lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Tập trung xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân vận của các cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội có tác phong “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, có số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý theo chiến lược cán bộ của Đảng, với chính sách cán bộ phù hợp trong điều kiện phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để thực hiện tốt năm bước công tác dân vận là “điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và hành động”.