Kinhtedothi - Sáng 12/7, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 46/NĐ - CP (Nghị định 46) của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn băn khoăn về một số vấn đề trong quá trình triển khai. Những điểm mới Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, Nghị định 46 của Chính phủ đã có nhiều quy định chặt chẽ hơn, chế tài xử phạt tương xứng hơn với tính chất, mức độ, hậu quả của các hành vi vi phạm trật tự, ATGT. Nghị định cũng được kỳ vọng sẽ bảo đảm tính răn đe, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT Hoàng Hồng Hạnh cho biết: “Nghị định 46 sẽ bổ sung đầy đủ các hành vi vi phạm, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với quy định của các văn bản (mới) hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt. Đồng thời, khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 171/2013/NĐ - CP và Nghị định số 107/2014/NĐ - CP”.
Cụ thể, Nghị định 46 đã sửa đổi, mô tả lại 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm, bổ sung quy định xử phạt đối với 33 nhóm hành vi và đưa ra khỏi Nghị định một số hành vi trùng lắp với các quy định khác. Đáng chú ý, Nghị định 46 đã bổ sung loại hình “xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện” vào khái niệm “các loại xe tương tự xe ô tô”. Hoặc, sửa lại cụm từ “giao hoặc để” thành “giao phương tiện hoặc để” vào điều khoản xử phạt đối với chủ xe vi phạm để làm rõ hơn trách nhiệm của chủ xe, tránh tranh cãi trong quá trình xử lý. Ngoài ra, hành vi “Để xảy ra UTGT nghiêm trọng tại khu vực thu phí" cũng được quy định là khi vi phạm dẫn đến ùn tắc kéo dài 750m hoặc 100 xe. Đặc biệt, để ứng phó với tình trạng ô tô núp bóng “xe hợp đồng” vận chuyển hành khách liên tỉnh, Nghị định 46 cũng đưa ra mức phạt đối với hành vi sử dụng “2 hợp đồng trở lên trên/chuyến xe hợp đồng”. Bà Hoàng Hồng hạnh cho biết: “Với Nghị định 46, các lực lượng chức năng sẽ áp dụng được cụ thể, chính xác nhất các quy định về vi phạm và xử phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đường sắt”. Chưa tạo tính răn đe đối với một số hành vi vi phạm
Nghị định 46 dù đã làm rõ hơn nhiều vướng mắc, giải thích, định nghĩa lại hàng trăm nhóm hành vi vi phạm, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm khiến lực lượng chức năng và giới chuyên gia “lo lắng”. Bà Hoàng Hồng Hạnh lấy ví dụ như các quy định xử phạt vi phạm giao thông trên đường sắt. Hiện chế tài đối với nhóm hành vi này mới có đủ để áp dụng cho đường sắt liên tỉnh, còn với đường sắt đô thị, do chưa thể tiên lượng được các tình huống và vấn đề phát sinh nên chưa thể có chế tài cụ thể. Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị thì lại băn khoăn về mức xử phạt đối với nhóm hành vi đua xe mô tô, ô tô trái phép. Nghị định 46 quy định mức phạt hành chính đối với nhóm này là từ 7 - 10 triệu đồng, trong khi trước đây nhóm hành vi này có thể bị xử phạt tới 20 triệu đồng. “Mức phạt thấp đi có khiến vi phạm gia tăng” - một đại biểu nêu ý kiến. Hay như biện pháp xử phạt vi phạm đối với các bến xe cũng được cho là còn thiếu quyết liệt và sẽ khó đạt hiệu quả cao. Nguyên do là vì bến xe không thể bị đình chỉ hoạt động như phương tiện, do đó chế tài xử phạt bằng tiền sẽ không đủ sức răn đe đơn vị quản lý, vận hành. Trong quá trình thực hiện sẽ còn nhiều vấn đề nảy sinh cần được cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá, điều chỉnh lại cho phù hợp hơn. Tuy nhiên, như Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân nhận định, Nghị định 46 là một trong những văn bản pháp quy quan trọng được cơ quan chức năng và xã hội mong đợi từ rất lâu. “Trước khi áp dụng rộng rãi trên thực tế cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân và người tham gia giao thông nắm được đầy đủ, rõ ràng” - ông Tân nói.
Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý vi phạm ATGT trên phố Bà Triệu. Ảnh: Anh Tuấn |
Trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT, Ban soạn thảo sẽ luôn sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến góp ý, phản biện của giới chuyên gia và Nhân dân đối với Nghị định 46. Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT |