Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện tốt các quy định về xử lý vi phạm hành chính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 11/9, đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp đã làm việc với UBND TP Hà Nội về tình hình triển khai nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn TP.

Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng. 

Theo báo cáo của UBND TP, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TP đã phát hiện và xử lý 685.168 vụ vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt gần 730 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực xử phạt hành chính nhiều nhất là giao thông đường bộ với 292.214 vụ, số tiền nộp phạt hơn 83 tỷ đồng. 
Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp làm việc với UBND TP Hà Nội
Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp làm việc với UBND TP Hà Nội
Thủ đô Hà Nội có mật độ dân cư đông, người dân ở các tỉnh, thành về Hà Nội sinh sống và làm việc nhiều nên địa bàn phức tạp, công tác quản lý gặp không ít khó khăn, hành vi vi phạm hành chính xảy ra đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực. 

Bên cạnh đó, một số văn bản hướng dẫn chưa được ban hành kịp thời, như: Hướng dẫn về xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; hướng dẫn bảo đảm kinh phí cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính và tổ chức triển khai thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. 

Hơn nữa, một số quy định trong các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có sự mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính khả thi; do vậy đã gây khó khăn, vướng mắc cho cơ quan, người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng pháp luật. 

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện chưa đảm bảo vì còn kiêm nhiệm. 

Đại diện Công an TP cho biết, riêng việc xử lý giao thông đường bộ, mỗi năm Hà Nội xử phạt hơn 200 tỷ đồng, trong khi dân số khoảng 10 triệu người. Trong khi đó, người già và trẻ em không tham gia giao thông, điều này cho thấy, đại bộ phận người dân chưa có ý thức khi tham gia giao thông, dẫn đến phải nộp phạt với số tiền lớn. 

Theo ông Trần Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, có những nơi đất nông nghiệp bị chiếm dụng xây dựng nhà ở. Nếu xử lý không khéo sẽ dẫn đến sự chồng chéo trong việc lập biên bản xử phạt hành chính đối với hành vi xây dựng, trật tự xây dựng, đất có được quyền xây dựng hay không?

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, sau 2 năm thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. 

“Tuy nhiên, có những khó khăn, vướng mắc, vừa làm vừa hoàn thiện cả về tổ chức, nhân lực, máy móc; từ đó Hà Nội rà soát các quy định của pháp luật để đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản pháp quy, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, hoàn thiện hơn” - Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn chia sẻ. 

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, đoàn công tác Bộ Tư pháp nhất trí với các nội dung, ý kiến của UBND TP và các sở, ngành. Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, bài bản các quy định pháp luật, có nhiều chuyển biến hơn so với trước. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành với Sở Tư pháp chặt chẽ, ý thức của cán bộ, công chức được nâng cao. 

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng đề nghị Hà Nội sát sao hơn nữa để thực hiện tốt các quy định của luật về xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, chú trọng chuyên sâu về kỹ năng thiết lập hồ sơ, kỹ năng kiểm tra tính phát lý của hồ sơ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ.