Giá rau xanh tăng, giá thịt lợn ổn định
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế& Đô thị, sáng nay tại một số chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, nguồn cung thực phẩm tại các chợ vẫn cơ bản đáp ứng song giá cả tăng.
Chị Cao Thị Thanh (tiểu thương ở Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ: chị đi chợ đầu mối phía Nam Hà Nội từ sớm để nhập hàng, nhưng sáng nay lượng rau xanh khan hiếm, phần lớn là củ, quả. Tuy nhiên, giá cả tăng đáng kể trong khi lượng hàng không có nhiều, nên chị Thanh cũng chỉ lấy 1/2 lượng hàng so với ngày thường.
Đặc biệt các mặt hàng rau xanh như: rau muống, rau ngót, rau mồng tơi, rau cải giá tăng lên mức 18.000 - 20.000 đồng/bó; các loại củ, quả có giá dao động 35.000 - 40.000 đồng/kg... "Do mưa bão suốt ngày và đêm qua nên việc thu hái của nông dân và vận chuyển hàng hóa của thương lái khó khăn. Các loại củ, quả thì có sẵn nhưng rau xanh khan hiếm nhiều. Bởi vậy mà giá cả đều tăng, cao hơn khoảng 1,5 lần so với ngày thường" - chị Thanh chia sẻ.
Tại các chợ truyền thống như chợ Hà Đông, chợ Phùng Khoang... nguồn cung ứng thực phẩm, rau xanh vẫn đảm bảo, song giá cả đều tăng. Một số ít quầy hàng đóng cửa nghỉ bán vì tiểu thương cho hay do mưa bão liên tục cả đêm, nên đến sáng nay không kịp lấy hàng chạy chợ.
Chị Đỗ Thị Lan Anh (phường Trung Văn, Nam Từ Liêm) cho biết: "Sáng nay đi chợ chị không quá bất ngờ với giá rau xanh vì thông thường rau muống 12.000 - 15.000 đồng/bó, nay tăng lên 20.000 đồng/bó vẫn chấp nhận được. Bởi, cũng thông cảm cho tiểu thương và bà con nông dân khi sau mưa bão, các loại rau xanh bị hư hỏng nhiều".
Trái lại với mặt hàng rau xanh, các mặt hàng thịt lợn, thịt gà, trứng... giá cả vẫn ổn định như ngày thường. Ghi nhận của phóng viên tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), giá các mặt hàng thực phẩm giữ ổn đinh (trừ rau xanh). Cụ thể: sườn non, ba chỉ có giá 145.000 đồng; bắp giò, nạc vai có giá 140.000 đồng/kg; mông sấn 120.000 – 130.000 đồng/kg; thịt gà (công nghiệp) 80.000 đồng/kg; trứng gà (đỏ) 25.000 đồng/10 quả...
Nguồn cung hàng hóa dồi dào
Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) trong sáng ngày 8/9, cơ bản các điểm bán hàng hóa, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội và một tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 đã mở cửa hoạt động bình thường phục vụ người dân.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, khảo sát thực tế cho thấy, sáng ngày 8/9, các chợ, siêu thị, cửa hàng tổng hợp, tiện ích, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP vẫn mở cửa phục vụ người dân. Lượng hàng hóa hàng thiết yếu, các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các điểm bán đầy đủ, nguồn cung dồi dào. Việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa bình thường, không xảy ra đứt gãy.
Trước đó, để chủ động, ứng phó với cơn bão số 3, các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh hàng hóa, xăng dầu trên địa bàn TP đã chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu, thực phẩm, xăng dầu để phục vụ nhu cầu của người dân trong khu vực. Do người dân đã chủ động mua sắm, dự trữ lương thực, thực phẩm tươi sống từ những ngày trước khi bão số 3 đổ bộ, cùng với tâm lý không ra đường do lo ngại mưa bão, nên lượng khách đến mua sắm tại các chợ, siêu thị, cửa hàng ngày 7/9 không nhiều.
Tới thời điểm sáng ngày 8/9, nhiều người dân đã đi chợ dân sinh, siêu thị mua sắm trở lại; giá rau xanh tại chợ dân sinh tăng nhẹ; lượng tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm và mặt hàng thiết yếu.
Đối với hệ thống cửa hàng xăng dầu, các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối trên địa bàn Hà Nội cho biết, không có thiệt hại về người và các trang thiết bị phục vụ bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu. Hiện nay, hệ thống cửa hàng xăng dầu đều đang bán hàng bình thường; chỉ một số ít cửa hàng đang tạm dừng bán do mất điện lưới, đang chờ cơ quan điện lực xử lý; một số cửa hàng chỉ thanh toán được bằng tiền mặt do mất tín hiệu viễn thông. Về nguồn cung, các cửa hàng xăng dầu đều chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng sẵn sàng phục vụ Nhân dân sau bão.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Sở Công thương Hà Nội đã đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân khi xảy ra mưa, bão lớn; đề nghị các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước. Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, gây bất ổn thị trường.