Buộc phải bứt phá ra thị thường
Khi Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam treo băng zôn quảng cáo chương trình "Mùa thu cho em" với sự xuất hiện của 3 gương mặt: Tùng Dương, Trúc Nhân và Hoàng Quyên vào 29/9, giới làm nghề không khỏi giật mình. Giật mình bởi một nhà hát vốn chỉ chuyên dàn dựng các chương trình theo kiểu đặt hàng của Nhà nước, nay lại nghĩ đến chuyện làm nhạc và bán vé. Theo tâm sự của NSƯT Quang Vinh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam: "Năm 2015, Bộ VHTT&DL giao cho nhà hát cơ chế tự chủ tài chính. Đây là điều hết sức khó khăn đối với một đơn vị "cõng" một lượng lớn cán bộ thuộc biên chế. Chính vì vậy, để cứu mình, chúng tôi buộc phải nghĩ đến việc làm các chương trình bán vé". Sau "Mùa thu cho em", từ 1 - 3 tháng, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam sẽ tổ chức những chương trình định kỳ theo chủ đề, hướng đến khán giả.
Theo kế hoạch của Bộ VHTT&DL, trong năm 2015, ngoài Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam còn có Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối T.Ư không còn được Nhà nước bao cấp kinh phí. Cũng chưa rõ đây là quyết định hợp lý của ngành văn hóa hay là cách Bộ VHTT&DL "đem con bỏ chợ" như nhiều nhà hát quan niệm. Nhưng rõ ràng, khi câu chuyện "miếng cơm manh áo" bị đụng chạm, rất nhiều sự thực phía sau ánh hào quang của liên hoan, hội diễn mới bị phơi bày.
Gồng mình với các kỳ liên hoan
Với lịch sử 61 năm thành lập, không kể hết số lượng Huy chương Vàng, Huy chương Bạc hay giải Nhất, giải Nhì mà Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đoạt được trong các kỳ liên hoan, nhưng đến nay, NSƯT Quang Vinh thừa nhận: "Mỗi khi nghĩ đến hội diễn hay liên hoan là tôi thấy rùng mình. Bởi vì, là đoàn nghệ thuật T.Ư nên đi thi thì Huy chương Vàng hoặc nhất, không thể để thua đoàn địa phương, cũng không thể để những nghệ sĩ lão làng của Nhà hát xấu mặt. Tuy nhiên, mỗi tiết mục dự thi đầu tư vài trăm triệu, thậm chí tiền tỷ nhưng tiền thưởng chỉ 50 - 70 triệu đồng. Tiết mục đoạt giải đem diễn bán vé không ai xem. Đã đến lúc chúng tôi phải nhìn nhận cái gì là cần thiết cho anh em để chuyển hướng".
Ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng tâm sự: "Cơ chế đoạt giải trong các hội diễn với thị hiếu của khán giả không ăn khớp nhau. Sự không ăn khớp này làm cho các đoàn nghệ thuật rất khổ khi dựng vở để đoạt huy chương thì không đạt thành tựu khán giả". Chính vì thế, mới có chuyện những tiết mục "Tiếng đàn bầu - Cung đàn đất nước", "Hương sắc Việt Nam" của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, vở kịch "Chia tay hoàng hôn" của Nhà hát Kịch Việt Nam... của Đoàn kịch Công an Nhân dân từng làm mưa làm gió tại các kỳ liên hoan, hội diễn nhưng công chúng không biết đến. Thậm chí, theo NSƯT Quang Vinh, phát vé mời miễn phí, khán giả vẫn lắc đầu nguầy nguậy.
Hơn nữa, có một thực tế ở các kỳ liên hoan là chưa thi đã biết đoàn nào thắng lớn. Có thể nói, không ở đâu lại có chuyện "vừa đá bóng vừa thổi còi" rõ nét như ở các kỳ liên hoan sân khấu toàn quốc năm 2012. Hoặc tại Liên hoan Sân khấu Chèo về đề tài hiện đại, Ban giám khảo gồm 5 thành viên thì có đến 3 thành viên là người của Nhà hát Chèo Hà Nội. Chính vì vậy, khi vở diễn của Nhà hát Chèo Hà Nội đại thắng tại kỳ liên hoan đó, không ai bất ngờ.
Suy cho cùng, huy chương cũng chỉ là cái mác gắn vào tác phẩm, còn chất lượng thực sự mới là điều đáng nói. Sân khấu thời gian gần đây đã chứng kiến không ít vở diễn, chương trình đoạt huy chương, nhưng sau đó không lâu, vở diễn đã nhanh chóng chìm vào quên lãng... Và, những người đứng đầu cơ quan nghệ thuật mới bắt đầu lo lắng thoát khỏi cái mác hào quang, đi tìm giá trị thực cho tác phẩm.
Một cảnh trong vở ''Chia tay hoàng hôn''.
|