Giá ô tô sản xuất trong nước cao hơn ô tô nhập khẩu
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có 2 điểm nghẽn lớn, đó là quy mô thị trường nhỏ và giá xe sản xuất trong nước cao hơn so với xe nhập khẩu. Nhiều chuyên gia cho rằng, cả 2 điểm nghẽn này đều có nguyên nhân từ thuế, phí cao. Thuế, phí cao đẩy giá xe lên cao, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, nên giấc mơ sở hữu ô tô cá nhân luôn xa tầm với.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 95,6 triệu đồng/người, để mua một chiếc xe bình dân có giá bán khoảng 600 triệu đồng, tính ra sẽ phải nhịn ăn tiêu gần 7 năm. Vì thế ít người Việt có khả năng mua xe, dẫn đến doanh số bán xe thấp, quy mô thị trường ô tô từ trước đến nay khá nhỏ bé.
Năm 2022, quy mô thị trường ô tô Việt Nam đạt ngưỡng 500.000 xe. Tuy nhiên, xe sản xuất lắp ráp trong nước chỉ bán được xoay quanh con số 300.000 xe. Trong khi đó, theo các DN, một mẫu xe phải đạt được doanh số bán từ 50.000 chiếc/năm trở lên mới khả thi để đầu tư sản xuất linh kiện, phát triển chuỗi cung ứng, nâng tỷ lệ nội địa hóa và giảm giá thành.
Tại Việt Nam, đến nay chưa có mẫu xe sản xuất trong nước nào đạt doanh số này cả. Duy nhất chỉ có 1 mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt doanh số bán cao nhất là 30.000 chiếc/năm. Còn lại đa số các mẫu xe đều có doanh số bán thấp từ 10.000 xe trở lại mỗi năm. Doanh số bán thấp, khiến giá thành xe sản xuất lắp ráp ở Việt Nam cao hơn từ 10 - 20%, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) Phan Đăng Tuất cho biết, một chiếc ô tô hiện nay có hơn 20.000 chi tiết linh kiện, cần tới hơn 200 mã kim loại. Hiện nay các DN tại Việt Nam chưa thể chế tạo được một mã kim loại nào trong tổng số 200 mã đó.
Theo vị này, không phải là các DN Việt Nam không thể làm được linh kiện ô tô, vấn đề là do thị trường quyết định. Ví dụ chiếc nắp bình xăng, Thái Lan chỉ tốn 1,5 USD để sản xuất mỗi chiếc thì Việt Nam tốn tới 3,8 USD. Với chênh lệch chi phí như này thì có nên sản xuất trong nước hay nhập khẩu? Thái Lan tạo được chi phí cạnh tranh như vậy là do có sản lượng ô tô lớn tới gần 2 triệu xe/năm, còn Việt Nam chỉ khoảng 300.000 xe/năm.
Đối với nhiều quốc gia, công nghiệp ô tô là ngành có đóng góp lớn cho GDP hàng năm, tạo ra hàng triệu việc làm. Công nghiệp ô tô được coi là trụ cột của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo từ lâu đã chứng minh được tầm quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế, là chìa khóa đem lại sự thịnh vượng. Tuy nhiên, thuế, phí cao ngất ngưởng như ở Việt Nam hiện nay đã bóp nghẹt ngành sản xuất này, trong đó có công nghiệp ô tô.
Mong mỏi chính sách gia hạn, miễn nộp thuế, phí
Chính sách giảm lệ phí trước bạ 2 lần vừa qua đã chứng minh hiệu quả tích cực đối với ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, do Chính phủ chỉ áp dụng trong thời gian ngắn nên bước đầu cũng chỉ đủ giúp DN vượt qua khó khăn trước mắt. Với ngành công nghiệp ô tô chỉ có duy trì công suất ổn định và tăng trưởng đều đặn mới tạo ra động lực cho sự phát triển.
Khi giảm 50% thuế phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước, người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên, giúp kích cầu, đồng thời khuyến khích sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA)
Từ lâu các DN đã mong muốn có một chính sách thuế, phí hợp lý ổn định, lâu dài, để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô vươn lên sánh vai các cường quốc nhưng hàng chục năm đã trôi qua mà vẫn mòn mỏi đợi chờ.
Mới đây, một số DN cùng Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Ninh Bình đã liên tiếp có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất được tiếp tục gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Từ năm 2020 đến nay Chính phủ đã 2 lần gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ, mỗi lần 6 tháng với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Báo cáo của Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) cho biết, quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6 đến ngày 31/12/2020, đã giúp thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, tăng hơn 8.200 tỷ đồng, phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỷ đồng.
Còn số liệu của VAMA cho thấy, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô trong nước, áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022 đã phát huy tác dụng, giúp doanh số ô tô trong nước tăng tới 50% so với cùng kỳ. Ô tô dưới 10 chỗ ngồi là sản phẩm chịu nhiều thuế phí, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ, phí cấp biển…
Việc giảm 50% lệ phí trước bạ, tuy có làm giảm nguồn thu trên mỗi chiếc xe nhưng tính chung không làm giảm tổng nguồn thu ngân sách, ngược lại còn tăng lên nhờ tăng trưởng doanh số bán xe mang lại. Không những thế sản lượng tăng còn góp phần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Đây cũng chính là lý do các DN tiếp tục xin được hỗ trợ để giúp người tiêu dùng, DN và Nhà nước đều được hưởng lợi.
Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Công Lê Ngọc Đức đưa ra dự báo, năm 2023 ước tính thị trường ô tô sẽ sụt giảm 17,5% so với 2022, tương đương với khoảng 85.000 xe, trong đó khoảng gần 50.000 xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Khi doanh số sụt giảm thì nguồn thu ngân sách từ thuế, phí cũng giảm mạnh. Không những thế các DN cung cấp linh kiện cũng bị ảnh hưởng, phải giảm sản lượng và tác động xấu tới ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây là bài toán mà Chính phủ cần có những tính toán và sớm đưa ra quyết định để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.