Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thuốc đặc trị “bệnh” dạy thêm, học thêm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gần hai tháng sau khi năm học mới bắt đầu, các biện pháp quyết liệt nhằm chữa trị "bệnh" dạy thêm - học thêm (DT, HT) vẫn chưa phát huy tác dụng. Báo Kinh tế & Đô thị xin trân trọng giới thiệu ý kiến của Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đức Thuần về vấn đề này.

Phải chăng…

Phải chăng bắt đầu từ quan điểm "phải nâng cao chất lượng, khối lượng kiến thức" để đuổi kịp lượng kiến thức đang cập nhật từng giây, từng phút nên "phát minh" thêm chương trình, sách giáo khoa… dẫn đến việc đi chệch quan điểm: học cơ bản, học làm người, tự học, học suốt đời? Phải chăng muốn chạy theo chất lượng theo hướng lấy thi cử, bằng cấp làm đích phấn đấu, nên xuất hiện nhiều sách tham khảo mở rộng. Học không kịp, buộc phải HT, học trước theo từng môn thi, thành ý thức buộc phải học thêm càng nhiều càng tốt… Cả xã hội cứ lao theo vòng xoáy này không gì ngăn cản nổi. "Cấm", "tự nguyện" đều bị biến tướng, đành lao theo, lại thuận lợi cho nhiều giáo viên tăng thu nhập, rồi lại lo cho con mình cũng đi học thêm để hy vọng thi vào trường chuyên lớp chọn. Chính vòng xoáy này đã làm cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta trượt dài.

Thuốc đặc trị “bệnh” dạy thêm, học thêm - Ảnh 1

Bộ GD&ĐT đã nghiêm cấm việc dạy thêm cho học sinh tiểu học.      

Phải chăng lo kéo dài năm học các cấp (9 năm lên 12 năm phổ thông; 2 năm ĐH lên 4, 5 năm) chủ yếu tập trung vào kiến thức sách vở, mà không rèn khả năng tự học, không theo nguyên lý giáo dục về thực hành, lao động sản xuất, hoạt động xã hội? Trong quản lý giáo dục lại có xu hướng cụ thể hóa định lượng để đạt các tiêu chuẩn thi đua, nên cả xã hội lại chạy theo DT, HT để có nhiều thành tích đến mức học sinh giỏi nhiều hơn hẳn học sinh tiên tiến…

Như vậy, nguyên nhân sâu xa của DT, HT là từ tầm nhìn và cách chỉ đạo, quản lý của Bộ GD&ĐT. Về bản chất, DT, HT không xấu vì giáo viên tận dụng khoảng thời gian ngoài giờ học chính khóa để bổ trợ kiến thức cho học sinh (HS), giúp các em đạt kết quả học tập cao hơn. Tuy nhiên, ở đâu đó, đã có những biểu hiện không lành mạnh khi một số giáo viên đã dùng "thủ thuật" để ép phụ huynh và học sinh phải "tự nguyện" tham gia học thêm. Vì thế, ban đầu, từ một xu hướng tự phát có mục đích rất tích cực, DT - HT đã trở thành một nếp nghĩ ăn sâu vào tiềm thức của phụ huynh, học sinh và thậm chí là của cả những giáo viên muốn "cải thiện" đời sống.

Thuốc đặc trị bệnh nan y

Giải pháp trước tiên và quan trọng nhất là phải "nhận thức" đầy đủ được các sai lầm cũ trong quản lý chỉ đạo. Từ mục tiêu đến chương trình sách giáo khoa, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp cùng phải đồng loạt chấn chỉnh thành cao trào trong quần chúng. Trong đó, sợi chỉ đỏ xuyên suốt là dạy người theo nguyên lý giáo dục "học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, giáo dục nhà trường kết hợp với hoạt động xã hội"…

Nên chăng giảm bớt năm học ở cả cấp học phổ thông lẫn ĐH để tiết kiệm cơ sở vật chất, chi phí cho học tập, thêm thời gian tham gia lao động rèn luyện rồi tự học, tạo ra cao trào vừa làm vừa học lành mạnh của một xã hội học tập thực chất. Cũng nên sớm phân luồng học nghề phổ thông, nâng cao chất lượng dạy nghề, cân đối với trung học chuyên nghiệp, CĐ nghề, ĐH, theo nhu cầu mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần. Có như thế, sẽ giảm thiểu được tình trạng SV ra trường phải lăn lộn tại nhiều hội chợ, phiên giao dịch việc làm mà vẫn không thể tìm được một bến đậu như hiện nay.

Thêm vào đó, cần ưu đãi đặc biệt để khuyến khích các học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm, nhằm tạo nguồn đầu vào có chất lượng cao cho ngành giáo dục. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần có chính sách đãi ngộ hợp lý, đảm bảo cuộc sống để giáo viên yên tâm, dồn hết tâm huyết với nghề, chuyên tâm cho sáng tạo trong công tác giảng dạy. Ngoài ra, việc đổi mới cơ bản giáo dục toàn diện, từ chương trình sách giáo khoa đến phương pháp dạy học mới, lấy rèn khả năng tự học và chăm lo thực hành để hoàn thiện kỹ năng sẽ giúp giảm thiểu các triệu chứng, tiến đến chữa trị tận gốc căn bệnh DT, HT.