Phương pháp được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể áp lực đối với hệ thống y tế đang quá tải của nhiều quốc gia lúc này.
Giải pháp cho giai đoạn đầu của bệnhTháng 6 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã khởi động một dự án có tên gọi “Chương trình kháng virus cho các đại dịch” (APP), với hơn 3 tỷ USD được đầu tư vào việc phát triển thuốc đặc trị bệnh Covid-19. Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ - giải thích, mục tiêu của APP lúc này là phát triển các loại thuốc dạng uống có thể dùng tại nhà cho bệnh nhân Covid-19, ngay khi các triệu chứng ban đầu phát triển, như mệt mỏi kèm đau họng, mất khứu giác và vị giác... Việc cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng công khai ủng hộ nghiên cứu thuốc đặc trị Covid-19 được cho bắt nguồn từ kinh nghiệm chiến đấu với bệnh AIDS của chính ông cách đây 3 thập kỷ. Vào những năm 1990, viện của Tiến sĩ Fauci đã tiến hành nghiên cứu để cho ra đời một số loại thuốc kháng virus đầu tiên nhằm ngăn chặn sự nhân bản của virus HIV trong tế bào nhiễm bệnh.
Đầu những năm 2000 ghi nhận việc các nhà nghiên cứu phát hiện ra một loại thuốc kháng virus có tên là Sofosbuvir có thể chữa khỏi bệnh viêm gan C gần như 100%. Mặc dù vẫn còn gây nhiều tranh cãi về tính hiệu quả, Tamiflu là một trong những loại thuốc kháng virus nổi tiếng nhất hiện nay được phát triển để điều trị bệnh cúm, với cơ chế ngăn chặn hoạt động của một loại protein mà virus cúm sử dụng để di chuyển ra khỏi tế bào bị nhiễm bệnh.
Theo thống kê của New York Times, ngay từ khi bắt đầu đại dịch, các nhà nghiên cứu tại Mỹ, Nhật Bản… đã tiến hành thử nghiệm một số thuốc kháng virus hiện có ở những người bệnh Covid-19 nghiêm trọng phải nhập viện. Nhưng cuối cùng, hầu như không cho thấy hiệu quả nào đáng kể của thuốc, trong đó “sai lầm” được chỉ ra chính là việc sử dụng phương pháp này tại bệnh viện.Các nhà khoa học hiện đã xác định được thời điểm tốt nhất để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 là trong vài ngày đầu tiên của bệnh, khi virus đang nhân lên nhanh chóng và hệ thống miễn dịch chưa có biện pháp phòng thủ. Về cơ bản, mục đích của bất kỳ loại thuốc kháng virus nào cũng là can thiệp sớm vào khả năng tự sao chép hoặc tái tạo của virus. Do đó, nó hiển nhiên không tránh khỏi thất bại trong một thử nghiệm trên những bệnh nhân đã ở giai đoạn sau của bệnh.Khi các biến thể virus khó lường Delta, Kappa… đang thay nhau lây lan mạnh, đe dọa thành quả tiêm chủng ngừa Covid-19 tại nhiều quốc gia cũng như thách thức các nước còn hạn chế trong việc tiếp cận vaccine, phương pháp sử dụng thuốc sớm một lần nữa được kỳ vọng. Bloomberg dẫn lời chuyên gia phân tích dược Sam Fazeli đánh giá, việc tiếp cận với các loại thuốc uống được tại nhà an toàn, hiệu quả và dễ triển khai rộng khắp có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, đồng thời giảm bớt một số áp lực cho hệ thống y tế đang trong quá trình chờ đợi vaccine.
“Những loại thuốc kháng virus có thể giúp điều trị các ca “nhiễm đột phá” ở những người đã được tiêm chủng, cũng có ích cho những người có bệnh lý nền không thể tiếp nhận vaccine hoặc hạn chế hiệu quả của vaccine” - Sam Fazeli cho biết.Cuộc đua “đơn giản hóa”Thực tế, có một loại thuốc kháng virus hiếm hoi đã được cho là có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19, nhận được nhiều sự chú ý trong năm qua: Remdesivir. Ban đầu nó được phát triển để điều trị bệnh viêm gan C nhưng thất bại, sau đó được thử nghiệm để điều trị bệnh Ebola và được xác định là “có hiệu quả nhẹ”. Kể từ năm ngoái, Remdesivir đã được dùng cho bệnh nhân Covid-19, nhưng kết quả lại đang được ghi nhận một cách không thống nhất.
Mặc dù Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt Remdesivir để điều trị các trường hợp Covid-19 nhập viện từ nhẹ đến nặng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo không dùng loại thuốc này và tuyên bố chưa có bằng chứng cho thấy Remdesivir “cải thiện khả năng sống sót và các kết quả khác ở bệnh nhân Covid-19”. Thêm vào đó, Remdesivir không phải là thuốc viên, buộc phải truyền qua tĩnh mạch, trở thành một hạn chế trong việc sử dụng đối với nhiều bệnh nhân vốn có bệnh lý nền nghiêm trọng.Do đó, các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới vẫn đang tích cực tìm ra loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 có thể dễ dàng sử dụng mà không cần sự theo dõi trực tiếp tại các cơ sở y tế, tạo nên một đường đua quyết liệt tương tự như với vaccine Covid-19 mà thế giới đã chứng kiến trong năm qua. 2 “ông lớn” ngành dược phẩm Mỹ là Merck và Pfizer được cho đang dẫn đầu.
Theo New Atlas, ứng cử viên đặc trị Covid-19 của Merck được gọi là Molnupiravir, vốn được phát triển cách đây vài năm như một loại thuốc kháng virus cúm, nhưng các nghiên cứu tiền lâm sàng đã chứng minh hiệu quả đầy hứa hẹn của nó trong việc chống lại virus SARS và MERS. Molnupiravir, hiện đang được thử nghiệm trên người ở giai đoạn 3, dự kiến sẽ có kết quả trên 1.450 người lớn vào mùa Thu này. Chính phủ Mỹ mới đây đã đặt trước 1,7 triệu liệu trình Molnupiravir, với chi phí 1,2 tỷ USD. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, Merck hy vọng loại thuốc này sẽ được FDA cho phép sử dụng khẩn cấp trước khi kết thúc năm 2021.
Trong khi đó, ứng viên của Pfizer được đánh giá có phần đặc biệt hơn. Hiện được đặt tên là PF-07321332, loại thuốc này là thuốc kháng virus đường uống đầu tiên được thiết kế ngay từ đầu để nhắm mục tiêu vào SARS-CoV-2 và đang thử nghiệm lâm sàng trên người. PF-07321332 được hứa hẹn sẽ là một viên thuốc uống có thể dùng cả trong điều kiện không phải bệnh viện, cho người mới bị nhiễm virus.
“Các chất ức chế protease liên kết với một loại protein có hoạt tính enzym của virus, ngăn không cho virus nhân lên trong tế bào, đã có hiệu quả trong việc điều trị các mầm bệnh virus khác như HIV, viêm gan C, cả khi dùng đơn lẻ và kết hợp với các loại thuốc kháng virus khác… Các protease của virus được nhắm vào thường không liên quan đến độc tính và do đó loại phân tử này có thể cung cấp các phương pháp điều trị dung nạp tốt để chống lại Covid-19” - Pfizer giải thích cơ chế hoạt động của PF-07321332. Các thử nghiệm giai đoạn 1 đối với loại thuốc này đã bắt đầu vào đầu năm nay, và giai đoạn 2 được bắt đầu trong tháng 6 vừa qua, hướng đến việc cho kết quả muộn nhất là vào cuối năm nay.
Đáng chú ý, một đại diện từ châu Á cũng đã gia nhập đường đua thuốc đặc trị Covid-19, với các đặc điểm đầy cạnh tranh với ứng viên của Pfizer. Wall Street Journal mới đây đưa tin, một công ty Nhật Bản tên là Shionogi hiện đang trong giai đoạn 1 thử nghiệm một chất ức chế protease tương tự đối với virus SARS-CoV-2. Được gọi là S-217622, đây cũng là một loại thuốc kháng virus dạng uống được hy vọng sẽ cung cấp cho người bệnh một lựa chọn dễ sử dụng và tiếp cận trong giai đoạn đầu của bệnh. Nhưng ngay cả khi những ứng viên kể trên không thể đến đích trong thời gian sớm nhất, nhiều nhà khoa học tin rằng những nghiên cứu về thuốc kháng virus là một sự đầu tư đáng giá.
"Thuốc kháng virus có thể giúp đối phó với đại dịch này và có khả năng cung cấp tuyến phòng thủ đầu tiên cho những đợt dịch trong tương lai." - Giám đốc Khoa Thuật trị liệu tại Harvard Medical School - tiến sĩ Mark Namchuk |