Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thuốc đắng chưa dã được tật

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua, dư luận khá bức xúc vì liên tiếp xảy ra hai vụ việc tài xế taxi, xích lô “chặt chém” du khách nước ngoài tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mặc dù rất nhiều vụ việc tương tự xảy ra trước đó đã bị xử lý nặng tay, song tình trạng “chặt chém” du khách, nhất là khách nước ngoài vẫn tái diễn cho thấy liều thuốc đắng vẫn chưa trị được tận gốc căn bệnh trầm kha này.

 Tài xế taxi (ảnh trái) xin lỗi và trao lại số tiền thừa cho khách du lịch tại Hà Nội, và chân dung tài xế xích lô chặt chém du khách Nhật tại TP Hồ Chí Minh.
Trở lại hai vụ việc đáng phê phán trên, nếu như du khách người Nhật bị “chặt chém” 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô chưa đầy 5 phút tại TP Hồ Chí Minh thì một du khách Hà Lan cũng phải cắn răng trả tới 450.000 đồng cho một chuyến taxi trên quãng đường khoảng 2km, từ 162 trần Quang Khải đến phố Hàng Bún (quận Ba Đình). Điều đáng ghi nhận là ngay sau khi có thông tin phản ánh, các cơ quan chức năng của cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng vào cuộc, làm rõ sự việc, xử lý lái xe “chặt chém” và trả lại tiền cho du khách nước ngoài. Mặc dù vậy, hành động “chặt chém” ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, vốn đang được bạn bè quốc tế đánh giá cao và thăng hạng trên nhiều chuyên trang, diễn đàn uy tín về du lịch.
“Hành vi này đã làm xấu đi hình ảnh của ngành du lịch, đồng thời ảnh hưởng đến hình ảnh của Hà Nội - một thành phố vì hòa bình. Đề nghị các cơ quan chức năng phạt thật nặng những lái xe cố tình vi phạm”. Nhiều ý kiến đã bức xúc bày tỏ như vậy trên các diễn đàn, trang mạng xã hội. Dư luận có quyền bức xúc vì không chỉ Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh mà cả nước đang nỗ lực xây dựng và quảng bá một môi trường du lịch Việt Nam thân thiện, đáng trải nghiệm tới bạn bè quốc tế. Hơn nữa, du lịch lại là một trong những mỏ vàng quan trọng và giàu tiềm năng của nền kinh tế.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, kinh tế Việt Nam đã đón nhận nhiều tin vui, trong đó có sự tăng trưởng của ngành du lịch. Thống kê cho thấy, khách quốc tế trong tháng 7/2019 đã tăng trở lại, đạt hơn 1,3 triệu lượt, tính chung 7 tháng đạt 9,8 triệu lượt, tăng 7,9%. Nhiều điểm du lịch trong nước được bình chọn là địa điểm du lịch hàng đầu châu Á, thế giới như Hà Nội là điểm ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới, Hội An (Quảng Nam) là TP quyến rũ nhất thế giới năm 2019… Để đạt được những kết quả ấn tượng này, chúng ta đã phải triển khai rất nhiều chương trình, dự án và tự đổi mới để tạo sức bật cho ngành công nghiệp không khói. Bởi vậy, những hành động xấu xí như “chặt chém” du khách nước ngoài không khác nào “con sâu làm rầu nồi canh”, phá hoại những nỗ lực của cả hệ thống chính trị cũng như đông đảo người dân.
Như nhiều chuyên gia đã nhận định, chúng ta có bỏ ra hàng triệu USD để quảng bá du lịch trên các kênh quốc tế như Discovery hay CNN nhưng chỉ vài hình ảnh “chặt chém” du khách là coi như đổ sông, đổ bể. Muốn thu hút đông đảo du khách tới thăm quan, phải tạo ra môi trường xứng đáng để họ vui vẻ chi tiền cho mỗi sản phẩm, dịch vụ.
Mới đây, Nghị định số 45/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch có hiệu lực từ 1/8/2019 đã siết nhiều quy định liên quan đến hoạt động du lịch. Trong đó quy định mức phạt tiền tối đa hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với cá nhân là 50 triệu đồng, tổ chức là 100 triệu đồng. Hy vọng rằng cùng với “liều thuốc” này, các địa phương cần quyết liệt vào cuộc hơn nữa, mạnh tay xử lý các sai phạm để trả lại môi trường sạch, tạo đà cho du lịch Việt cất cánh.