Thước đo sự hài lòng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội vừa ban hành Chỉ số đánh giá kết quả cải cách hành chính (CCHC) của các sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã thuộc TP giai đoạn 2016 – 2020 với những nội dung, thang điểm cụ thể.

Nhiều người kỳ vọng, kết quả đánh giá này sẽ trở thành động lực để các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh hơn nữa công tác CCHC, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cho Hà Nội.

 
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND quận Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND quận Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng
Chỉ số đánh giá kết quả CCHC giai đoạn 2016 – 2020 của các sở, ngành TP được xác định trên 9 nội dung, 36 tiêu chí, 103 tiêu chí thành phần. Tương tự, chỉ số CCHC của UBND cấp huyện được xác định trên 9 nội dung, 39 tiêu chí, 119 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100. Trong chỉ số của cấp sở và cấp quận, huyện; điểm đánh giá qua điều tra xã hội học đều chiếm 35%. Chỉ số CCHC được xác định bằng tỷ lệ % giữa “tổng điểm đạt được” và “tổng điểm tối đa”.

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, việc theo dõi đánh giá dựa trên chỉ số được coi là phương pháp, công cụ đánh giá theo dịch vụ hành chính công hiện đại. Đây không phải lần đầu TP áp dụng phương pháp này, tuy nhiên gần đây cách tiếp cận đánh giá này mới được các cơ quan Nhà nước tập trung nâng cao và phát triển. Cách làm mới sẽ giúp đánh giá, theo dõi kết quả hoạt động CCHC của các cơ quan, đơn vị trong TP một cách chính xác thay vì chủ yếu dựa trên kết quả đầu ra. Ngoài việc đánh giá về tác động của cơ quan Nhà nước tới tổ chức, cá nhân được phục vụ, bộ chỉ số cũng coi ý kiến người dân phản hồi là một dữ liệu đầu vào quan trọng để các cơ quan hành chính tiếp tục hoàn thiện phục vụ tốt hơn. Đáng chú ý, với mức thang điểm là 100, trong đó 35% số điểm đánh giá dựa trên các điều tra xã hội học, thông qua đó thể hiện các cảm nhận của người dân tới quá trình CCHC, bảo đảm tính xác thực của chỉ số. Mặt khác, thông qua các chỉ số, các cơ quan tổ chức hành chính sẽ tiếp tục tự đánh giá, rà soát tìm ra ưu, khuyết điểm để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác CCHC.

Được triển khai ngay từ đầu năm 2016, việc áp dụng chỉ số đánh giá kết quả CCHC nhằm mục đích nâng cao chất lượng phục vụ người dân, các tổ chức, DN của các cơ quan hành chính trên địa bàn TP. Dù đây là một phức tạp, bởi đánh giá chính những người đang thi hành công vụ, song vẫn được các đơn vị đón nhận. Nhiều quận, huyện đã có kế hoạch đưa vào hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính tại bộ phận một cửa. Qua đó, lãnh đạo có thể kiểm tra, đánh giá đội ngũ cán bộ làm việc cũng như mức độ hài lòng của người dân.

Công tác CCHC tiếp tục là một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ TP Hà Nội. Việc triển khai đánh giá kết quả CCHC, tổ chức lấy ý kiến người dân, DN đối với chất lượng hành chính công và dịch vụ sự nghiệp công của TP để khắc phục nhanh nhất những gì còn yếu, thiếu sót, tiếp tục duy trì, bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước đạt từ 80% trở lên, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế….