Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương hiệu Việt

Thương Huế thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã có nhiều thương hiệu Việt bị các nhà đầu tư ngoại thâu tóm và dần “biến mất” khỏi thị trường như: Kem đánh răng Dạ Lan, nước giải khát Tribeco, bia Huda... và mới đây nhất là Sabeco. Thế nên, câu chuyện giữ thương hiệu Việt sau thoái vốn Nhà nước đang “nóng” trên các diễn đàn. Đây cũng là chủ đề cuộc trò chuyện đầu xuân của chuyên gia kinh tế -TS Vũ Đình Ánh với báo Kinh tế & Đô thị.

Trong M&A, doanh nghiệp chính là hàng hóa
Thưa TS, thời gian gần đây, các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) thương hiệu Việt cho đối tác nước ngoài trở thành tiêu điểm của dư luận. Ông nhận định thế nào về tình hình này?
- Tôi cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận về M&A một cách bình tĩnh và khách quan dựa trên nhiều góc độ. Xét trên góc độ kinh tế thị trường, M&A là một trong những công cụ cạnh tranh quan trọng và tất yếu. Thông qua M&A, các nguồn lực sẽ được phân bổ lại và tập trung vào những tổ chức, cá nhân có khả năng cạnh tranh tốt nhất, có thể sử dụng các nguồn lực đó một cách tốt nhất hay ít ra là tốt hơn so với tổ chức hay cá nhân của DN bị M&A. Đến lượt mình, tổ chức hay cá nhân đó có nguồn lực sau khi bị M&A để tìm cơ hội mới phù hợp hơn với năng lực của mình, do đó có hiệu quả tốt hơn cho xã hội.
 chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh.
Tôi biết có không ít trường hợp chủ DN sau khi bị M&A đã khởi sự lại thành công, thậm chí trong chính lĩnh vực cũ chứ không phải chuyển sang lĩnh vực mới. Trong M&A, chính DN là hàng hóa. Vấn đề là M&A phải được thực hiện công khai, minh bạch, tự nguyện và theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh, chống độc quyền.
Như ông nói, chính DN là hàng hóa chứ không chỉ sản phẩm, dịch vụ của DN. Song thực tế là sau thương vụ Sabeco về tay người Thái năm 2017, nhiều người không khỏi lo lắng thương hiệu Việt, sản phẩm Việt này chỉ vài năm nữa sẽ “biến mất”?
- Chúng ta cần phân biệt thương hiệu Việt với sản phẩm Việt giống như phân biệt người Việt với cái tên thuần Việt. Trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, chuyện rất bình thường khi một sản phẩm Việt mang thương hiệu nước ngoài và ngược lại một sản phẩm nước ngoài lại mang thương hiệu Việt. Quan trọng là cần tạo ra và phát triển được nhiều thương hiệu Việt có giá trị, uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời thu được lợi ích kinh tế nhiều nhất từ những thương hiệu đó, chứ không thể chỉ dừng lại ở sự tôn vinh, tự hào đơn thuần, đôi khi là cảm tính, thiếu căn cứ. Tôi tin những thương hiệu Việt thực sự có giá trị không thể mất được và những thương hiệu như vậy sẽ ngày càng nhiều nhờ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Khi doanh nghiệp tự “bán mình”…
Bức tranh M&A, theo ông khá lạc quan, song rõ ràng câu chuyện giữ thương hiệu Việt khi Nhà nước thoái vốn đang là vấn đề  không thể xem nhẹ. Vậy chúng ta cần hành động thế nào để giải quyết bài toán trên?
- Ở câu trả lời đầu tiên, tôi đã đề cập đến M&A dưới góc độ thị trường. Còn ở câu trả lời này, tôi tiếp tục xét ở 3 góc độ nữa. Trước tiên, về góc độ quản lý Nhà nước thì M&A cũng là một trong những công cụ hữu hiệu để thực hiện chủ trương thoái vốn khỏi các DN Nhà nước, các ngành nghề, lĩnh vực mà Nhà nước thấy không cần tiếp tục nắm giữ vốn và đầu tư, qua đó Nhà nước vừa chọn được nhà đầu tư chiến lược cho DN Nhà nước thực hiện cổ phần hóa, vừa có thể hoàn thành kế hoạch đổi mới, sắp xếp lại DN Nhà nước một cách nhanh gọn với kết quả có lợi nhất theo nguyên tắc kinh tế thị trường.
Xét về góc độ hội nhập khu vực và quốc tế thì việc các nhà đầu tư, không phân biệt trong hay ngoài nước tham gia M&A, kể cả với tư cách DN đi M&A hay DN bị (được) M&A trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi là hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và đang theo đuổi trên con đường phát triển kinh tế - xã hội. Xét dưới góc độ DN thì thương hiệu là bộ phận không thể tách rời và gắn trọn vẹn với DN, từ lịch sử đến hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai. Chính vì thế, DN nào đó “mở hầu bao” để mua một thương hiệu có giá trị rồi không thể ngay lập tức vứt nó đi.
Vinamilk là một thương hiệu Việt hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Những năm qua, dù liên tục có các đợt thoái vốn Nhà nước tại DN này, song Vinamilk thực sự nỗ lực bảo toàn được thương hiệu Việt. Theo ông, vài năm tới, nỗ lực đó có còn “an toàn”?
- Vinamilk cho đến nay vẫn chứng tỏ là một trong những điển hình về thành công trong sản xuất kinh doanh, trong giữ vững năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực, nên tạo sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cũng như tăng giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, Nhà nước với tư cách là nhà đầu tư chủ chốt có thể sẽ sớm thoái vốn khỏi Vinamilk, tương tự như đã làm ở Sabeco cuối năm 2017. Theo đó, Vinamilk sẽ phát triển như thế nào, thương hiệu Vinamilk sẽ ra sao phụ thuộc vào quyết định và sự lựa chọn của các nhà đầu tư – các ông chủ mới của Vinamilk.
 Xin cảm ơn ông!