Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thương mại điện tử: Vẫn dậm chân tại chỗ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách, truyền thông và đưa thương mại điện tử (TMĐT) đi vào cuộc sống.

KTĐT - Trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách, truyền thông và đưa thương mại điện tử (TMĐT) đi vào cuộc sống.

 

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, từ chỗ doanh nghiệp chưa có khái niệm về TMĐT, đến nay 100% DN đều kết nối Internet. Tỷ lệ DN có website năm 2004 chỉ đạt 25%, nhưng đến 2010 đã có trên 40% DN có website. Tỷ lệ DN tham gia sàn thương mại điện tử cũng tăng từ 5% vào năm 2004 nay đã lên 15%. Việc phát triển TMĐT đã góp phần tăng doanh thu cho doanh nghiệp, kết quả khảo sát gần đây cho thấy, có 38,7% doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu từ 5 - 15% và có đến 35,6% doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu trên 15% nhờ TMĐT. 


Mặc dù có nhiều cố gắng trong việc phát triển loại hình kinh doanh này nhưng hiện TMĐT Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản phát triển khiến TMĐT Việt Nam chưa theo kịp với TMĐT thế giới. Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận xét: Mặc dù cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý cho TMĐT đã có những tín hiệu tốt, nhưng thói quen mua sắm của người tiêu dùng và việc thiếu giải pháp đồng bộ trong khâu thanh toán khiến TMĐT Việt Nam ì ạch. Hiện phần lớn người tiêu dùng và DN Việt Nam vẫn chưa từ bỏ thói quen mua sắm bằng tiền mặt. Đặc biệt là tâm lý lo ngại về thông tin cá nhân không được bảo mật khi thực hiện mua bán trực tuyến cũng khiến TMĐT chưa thực sự phát triển. Ngoài ra, việc thiếu hình thức thanh toán cũng là một cản trở TMĐT phát triển, thậm chínếu có cổng thanh toán thì cũng chỉ chấp nhận những thẻ quốc tế như VISA Card, Master Card... Trong khi không phải tất cả mọi người đều có loại thẻ này.


Để đẩy mạnh phát triển TMĐT, Bộ Công Thươngđã có kế hoạch tổng thể phát triển TM ĐT giai đoạn 2011 - 2015, trong đó, đến năm 2015 tất cả các DN đều tiến hành giao dịch TMĐT, 80% doanh nghiệp lớn có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; doanh nghiệp nhỏ và vừa là 45%; 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử...


Kế hoạch là vậy nhưng đây là mục tiêu không dễ thực hiện bởi hệ thống đường truyền của nước ta cũng chưa thực sự đồng bộ, khó thanh toán trực tuyến qua mạng, an ninh mạng và bảo mật thông tin còn yếu và hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử cũng chưa hoàn thiện, chưa kể đến vấn đề nhận thức về thương mại điện tử của doanh nghiệp và người dân còn chưa đầy đủ... Ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết: Việc đào tạo và ứng dụng TMĐT cần có bài bản từ đầu, chứ không thể "ăn xổi" như hiện nay. Do vậy, nếu không bắt đầu từ chiến lược đào tạo bài bản thì sẽ không có nguồn nhân lực cho thương mại điện tử. Và cũng không thể có nền TMĐT hoàn thiện theo chuẩn quốc tế nếu nguồn nhân lực không bảo đảm. Nếu không khắc phục điểm yếu này thì TMĐT của Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ.