Tiêu dùng nội địa dẫn dắt thị trường
Báo cáo của Bộ Công thương công bố mới đây cho thấy, năm 2023, hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng 8-9%).
Phân tích về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết: trong bối cảnh nền kinh tế đang đối diện khó khăn và xu hướng cắt giảm chi tiêu toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.
Trong tiêu dùng, lĩnh vực dịch vụ duy trì đà tăng trưởng, là động lực chính của nền kinh tế. Các hoạt động dịch vụ, tiêu dùng tiếp tục phát triển ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu đối với hàng hóa thiết yếu… Du lịch nội địa và du lịch quốc tế, tài chính - ngân hàng tăng trưởng khá. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan. Nông nghiệp cũng được hưởng lợi từ giá lương thực tăng và dự kiến tăng trưởng 3,2% năm 2023.
Nhờ vậy, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát khi bình quân CPI tăng 3,2% (11 tháng năm 2023). Mục tiêu tăng CPI khoảng 4,5% năm 2023.
Bộ Công Thương đã sớm nhận định tình hình kinh tế thế giới suy thoái nhẹ, lạm phát tăng dẫn đến cầu tiêu dùng thế giới giảm, đồng nghĩa giảm đơn đặt hàng trong nước và quốc tế, dẫn tới hoạt động sản xuất của Việt Nam bị thu hẹp, hàng loạt doanh nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng.
Do đó, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã xác định đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước là đòn bẩy kinh tế hữu hiệu, giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiệu quả của hàng loạt chính sách tài khóa – tiền tệ
Năm 2023, tiêu dùng nội địa có mức tăng trưởn cao nhờ vào hàng loạt chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích tăng tiêu dùng. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), đó là có chủ động từ đầu năm của các bộ, ngành liên quan trong việc ban hành các chính sách tài khoá - tiền tệ như: chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2%, chính sách tăng tiền lương cơ bản, kích cầu du lịch nội địa. Đây là những nhân tố kích cầu tiêu dùng do tăng thu nhập.
Quy mô thị trường tiêu dùng Việt Nam năm 2023 đạt 142 tỉ USD và được dự báo sẽ tăng lên 350 tỉ USD trong năm 2025. Với đà phục hồi kinh tế tốt hơn, cung tiền và vòng quay tiền được cải thiện, lạm phát và giá cả thế giới (đặc biệt là giá năng lượng) giảm mặc dù còn ở mức cao, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân của Việt Nam sẽ tăng khoảng 3,5 - 4% năm 2024.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)
Nghị quyết giảm 2% thuế VAT được Quốc hội thông qua và thực hiện từ ngày 1/7/2023 có tác động trực tiếp làm tăng tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế, khơi thông thị trường tiêu thụ, giải quyết lượng hàng tồn kho, nợ đọng vốn, hỗ trợ doanh nghiệp từng bước phục hồi, mở rộng sản xuất, đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động. Cùng với đó, lạm phát có xu hướng tăng chậm lại và được duy trì trong tầm kiểm soát.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Vinh Phú đánh giá cao những quyết sách của Chính phủ khi thực hiện kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua; tăng cường các đợt khuyến mại và giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân; tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn, khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội; đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo.
Còn theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, môi trường ở bên ngoài khó khăn gây ra tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam. Nếu như chỉ dựa vào bên ngoài thì rất khó có thể hồi phục được mạnh mẽ. Vì thế, Chính phủ luôn tính đến việc phát huy những trụ cột khỏe mạnh và có phương án dự phòng những trụ cột yếu. Cụ thể, năm 2023, nhất là những tháng cuối năm, tiêu dùng trong nước đã chứng minh là một trong những trụ cột cho tăng trưởng; đóng vai trò dẫn dắt thị trường.
“Tháng cuối năm là giai đoạn chạy nước rút chuẩn bị mùa cao điểm lễ, Tết và hoàn thiện các đơn hàng quốc tế, cũng là tháng nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, do đó thời điểm này là cơ hội tập trung cao để thương mại trong nước bứt phá.” - PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.