Vừa qua, Kinh tế & Đô thị nhận được đơn thư phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại thôn Minh Nga, xã Văn Tự, huyện thường Tín, về việc xưởng sản xuất nhựa Huy Hoàng, dựng trái phép trên đất công ích từ nhiều năm nay.
Sai chồng saiQua tìm hiểu thực tế cho thấy, xưởng nhựa Huy Hoàng nằm trên khu vực đất Thùng Lò Gạch, thuộc thôn Minh Nga. Chủ tịch UBND xã Văn Tự Trịnh Hùng Sơm cũng thừa nhận, đây là đất công ích, được giao thầu sai quy định từ nhiều năm trước.
Cụ thể, năm 1994, đất Thùng Lò Gạch được HTX nông nghiệp Minh Nga giao thầu cho ông Vũ Đức Mạnh, với mục đích sử dụng để chăn nuôi và trồng trọt. Năm 1997, HTX nông nghiệp lại tiếp tục giao thầu thửa đất này cho ông Nguyễn Văn Xiêm với diện tích 1.029,6m2, thời hạn 10 năm.
Ông Trịnh Hùng Sơn khẳng định, việc giao thầu như vậy là trái quy định của pháp luật, do HTX nông nghiệp Minh Nga không đủ thẩm quyền quản lý và sử dụng, hay giao thầu thửa đất Thùng Lò Gạch.
|
Công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với nhà xưởng sản xuất nhựa Huy Hoàng vẫn đang hiên ngang hoạt động |
Tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 910/QĐ - XPVPHC ngày 12/4/2017, UBND huyện Thường Tín cũng đã xác định, ông Nguyễn Văn Xiêm đã xây dựng nhà xưởng sản xuất nhựa, cao 5m, khung sắt, mái lợp tôn, diện tích 493m2 trên đất không được phép xây dựng (đất công do UBND xã Văn Tự quản lý).
UBND huyện Thường Tín đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Xiêm tự phá dỡ công trình xây dựng trái phép. Nhưng ông Xiêm không chấp hành. Do đó, ngày 10/10/2017, UBND huyện Thường Tín đã có Quyết định số 164/QĐ – UBND về việc cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với nhà xưởng sản xuất nhựa do gia đình ông Nguyễn Văn Xiêm dựng trên đất công ích.
Nhưng phải mãi đến ngày 30/3 vừa qua, sau gần nửa năm, UBND xã Văn Tự mới trình lên UBND huyện Thường Tín Kế hoạch số 29/KH - UBND, cưỡng chế công trình nhà xưởng trái phép nêu trên. Đó cũng là động thái cuối cùng, rõ ràng của Chính quyền xã Văn Tự cũng như huyện Thường Tín đối với vi phạm của gia đình ông Nguyễn Văn Xiêm.
Từ đó tới nay, xưởng nhựa Huy Hoàng vẫn mặc nhiên tồn tại, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn nhộn nhịp đêm ngày; tra tấn người dân bằng khói khét như không hề có Chính quyền địa phương và các quyết định xử phạt đã được ban hành.
Thay bốn Chủ tịch xã“Liên quan đến các vi phạm đất đai, trật tự xây dựng và do bất lực trong xử lý, thu hồi đất, từ năm 2015 tới nay, xã Văn Tự đã thay 4 Chủ tịch xã” - vị Chủ tịch xã thứ 4 là ông Trịnh Hùng Sơn cho hay.
Ông Sơn cũng chia sẻ, từ trước tới nay, thôn Minh Nga rất mất đoàn kết, bè phái kình địch lẫn nhau, thậm chí cán bộ xã cũng bị lôi vào những mâu thuẫn của người dân. Đồng thời bày tỏ mong muốn được UBND huyện Thường Tín hỗ trợ trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế, xử lý vi phạm của xưởng nhựa Huy Hoàng, cũng như các vi phạm khác tại thôn Minh Nga.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: vậy bao giờ có thể xử lý được vi phạm, cưỡng chế xưởng nhựa Huy Hoàng để trả lại đất công ích cho người dân, ông Trịnh Hùng Sơn cho hay, còn phải rà soát lại hồ sơ, quyết định.
“Các Quyết định xử phạt, cưỡng chế, kể cả kế hoạch cưỡng chế đã được ban hành từ hơn 1 năm trở lại đây, không biết bây giờ có còn hiệu lực không. Chúng tôi sẽ xin ý kiến của Huyện, nếu còn hiệu lực sẽ thực hiện, nếu không lại phải làm lại thủ tục từ đầu” - ông Sơn thông tin. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, hi vọng đòi lại được lẽ phải và mảnh đất công ích của người dân thôn Minh Nga còn đang “lập loè”, chưa biết khi nào mới có kết quả.
Thực tế này cho thấy, công tác quản lý cán bộ, quản lý địa bàn cũng như công tác dân vận của xã Văn Tự nói riêng và huyện Thường Tín nói chung còn quá nhiều vấn đề cần xem xét, nhìn nhận lại.
Ông Vũ Văn Nghiêng - người dân thôn Minh Nga than thở, chỉ một vài trường hợp vi phạm trật tự xây dựng mà nhiều năm không xử lý nổi; hơn nữa còn khiến 3 vị Chủ tịch xã phải nghỉ hưu sớm hoặc chuyển công tác khác. Phải chăng xã Văn Tự là nơi “phép vua thua lệ làng”, pháp luật không chạm tới được?