17/28 xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, tính đến nay, toàn huyện có 13 xã hoàn thành tiêu chí và đã được TP công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Cùng với đó, vừa qua, 4 xã Văn Tự, Thắng Lợi, Tự Nhiên, Hòa Bình đã được Đoàn thẩm định của TP chấm điểm, đủ điều kiện đề nghị UBND TP công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Như vậy, đến nay Thường Tín đã có 17/28 xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Về Thường Tín hôm nay, không khỏi ngỡ ngàng khi nhận thấy những con đường được thảm nhựa, bê tông cùng sắc hoa rực rỡ hai bên đường. Những công trình văn hóa, lịch sử được gìn giữ, bảo tồn, không gian sống xanh, sạch, đẹp minh chứng cho thành quả xây dựng NTM ở nơi đây.
Nhờ có chương trình xây dựng NTM, Thường Tín đang chuyển mình theo chiều sâu, chất lượng đời sống người dân ngày một nâng cao, kinh tế - xã hội, văn hóa phát triển toàn diện.
Là một trong 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, Tô Hiệu thu hút bởi những con đường hoa, không gian xanh, sạch đẹp. Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu Phạm Phú Tuấn cho biết, năm 2017, xã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Từ đó đến nay, xã luôn giữ vững và tiếp tục xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, kết quả thực hiện 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 xã đều đạt và được công nhận NTM nâng cao năm 2023.
Đáng chú ý, huyện Thường Tín đã có 3 xã là Hồng Vân, Hà Hồi, Nhị Khê đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2023. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện yêu cầu Phòng Kinh tế cùng cơ quan chuyện môn, đoàn thể chính trị và các địa phương hoàn thành hồ sơ xây dựng huyện NTM nâng cao trong tháng 5/2024 để thông qua Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/HU của Huyện ủy. Qua đó lấy ý kiến người dân, MTTQ, các đoàn thể rồi trình TP xét, chấm điểm huyện NTM nâng cao vào tháng 6/2024.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh chia sẻ, chương trình xây dựng NTM cũng như NTM nâng cao của Thường Tín đã và đang đi vào chiều sâu với sự đổi thay toàn diện, thực tiễn, được người dân ủng hộ cao.
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều vùng chuyên canh rau, lúa, thủy sản, cây ăn quả... mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao nguồn thu nhập và đời sống cho Nhân dân địa phương.
Điển hình là vùng chuyên canh lúa hàng hóa tập trung tại các xã: Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã: Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại các xã: Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại các xã: Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến.
Đặc biệt, toàn huyện có 6 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết tạo chuyển biến tích cực giúp người dân phát triển, tạo sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 70,5 triệu đồng/người/năm.
Phát huy vai trò chủ thể của người dân
Điểm nổi bật khác của huyện Thường Tín là hệ thống đường trục xã, liên xã, liên thôn, xóm... đều được thảm nhựa, bê tông hóa; hệ thống trường học và trang thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp bảo đảm phục vụ công tác giảng dạy, không còn phòng học tạm, phòng học cấp bốn dột nát. Đến nay, toàn huyện có 79/89 trường học đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và mức độ 2, trong đó mức độ 2 là 20 trường.
Bà Phạm Thị Anh, xã Hiền Giang chia sẻ, từ việc xây dựng NTM đã giúp người dân được hưởng lợi, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp hơn trước. Hệ thống đường nội đồng, kênh mương được cứng hóa giúp thuận tiện cho quá trình sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch UBND xã Hiền Giang Nguyễn Thị Hoàn cho biết, ngay sau khi hoàn thành xã NTM vào năm 2018, cán bộ và người dân địa phương tiếp tục thực hiện xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, xã đã đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 của UBND TP, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng huyện NTM nâng cao.
Một trong những thành công của huyện là bảo tồn các giá trị văn hóa. Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện Thường Tín xác định văn hóa là gốc rễ của sự phát triển. Theo đó, huyện xây dựng các chương trình, đề án bảo tồn phát triển hàng loạt công trình văn hóa lịch sử hướng tới trở thành một trong những điểm đến về du lịch tâm linh.
Năm 2024 huyện Thường Tín phấn đấu sẽ hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao để đến năm 2025 được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Do vậy, hiện nay cả hệ thống chính trị của huyện đang tăng tốc hoàn thiện các tiêu chí và nâng cao hơn nữa tiêu chí đã đạt; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, không có điểm kết thúc.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh khẳng định, huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện; đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM. Đặc biệt, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM theo phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng bàn bạc, thực hiện".
Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện thuận lợi để các DN, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm nhằm thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các khâu đột phá của huyện.
Kết quả huy động nguồn lực chương trình xây dựng NTM của Thường Tín lũy kế từ năm 2021 đến nay là hơn 4.263,925 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TP hỗ trợ 1.336 tỷ đồng, ngân sách TP trực tiếp 232 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 1.104 tỷ đồng, trên 2.442 tỷ đồng ngân sách huyện, ngân sách xã 480,805 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách 4.119 tỷ đồng.