Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủy lợi chưa… thuận lợi

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đứng trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và yêu cầu của tăng trưởng ngành nông nghiệp, hệ thống thủy lợi của nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, hiện nay các hệ thống thủy lợi trên cả nước đã đảm bảo tưới cho 7,5 triệu hecta đất trồng lúa, 1,65 triệu héc ta rau màu và tiêu nước cho khoảng 1,72 triệu héc ta đất nông nghiệp. Những năm qua, hệ thống công trình thủy lợi (CTTL) đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều hệ thống CTTL được thiết kế phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, tập trung cung cấp nước cho cây lúa nên không đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại và đa dạng. Thêm vào đó, chất lượng nước tại một số hệ thống thủy lợi không đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.
Trạm bơm dã chiến Bá Giang (Đan Phượng) được lắp đặt để lấy nước từ sông Hồng vào cấp nước cho vụ Xuân. Ảnh: Quang Thiện
Trạm bơm dã chiến Bá Giang (Đan Phượng) được lắp đặt để lấy nước từ sông Hồng vào cấp nước cho vụ Xuân. Ảnh: Quang Thiện
Chính vì còn nhiều bất cập nên khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của hệ thống CTTL hiện nay khá yếu ớt. Bằng chứng là chỉ trong vòng chưa đầy hai năm (2015 – 2016), khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long có tới 80.000ha đất lúa phải dừng sản xuất và khoảng 500.000ha cây trồng bị ảnh hưởng tới năng suất. Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi thừa nhận, hiện nay, hệ thống CTTL bị xuống cấp nhanh. Trong khi đó, hoạt động quản lý, khai thác CTTL còn chậm đổi mới theo cơ chế thị trường, chất lượng dịch vụ thấp.

Ngoài ra, khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi cũng chưa bám sát yêu cầu thực tiễn, việc áp dụng hiệu quả vào sản xuất còn hạn chế, nhất là công nghệ giám sát hạn hán, úng ngập, xâm nhập mặn. TS Hoàng Xuân Hồng – Hội Đập lớn Việt Nam lo lắng, ở các vùng Đồng bằng sông Hồng, sông Thái Bình, sông Cửu Long vào mùa khô có nhu cầu lấy nước tưới lớn nhưng các dòng sông chính đều bị cạn nước. Nhiều cống lấy nước và trạm bơm dọc sông có cao trình cao hơn mực nước sông nên không lấy được nước tưới cho các hệ thống. “Trong nhiều năm nay, các hồ chứa lớn trên hệ thống sông Hồng phải xả nước để chống hạn cho vụ Xuân” – TS Hoàng Xuân Hồng chia sẻ.

Hướng tới đa mục tiêu

Hiện nay, các địa phương đang tích cực triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để mục tiêu này thành hiện thực, chắc chắn thủy lợi đóng một vai trò không nhỏ. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, cần phải xây dựng hệ thống CTTL đáp ứng đa mục tiêu, không chỉ phục vụ cây lúa mà còn phải hướng đến cả sản xuất cây công nghiệp và những loại rau màu có giá trị kinh tế cao theo hướng hàng hóa. Trong đó, tập trung thực hiện các mô hình áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây công nghiệp có ưu thế xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu, điều, chè, cao su… Đồng thời đảm bảo nguồn nước cho nuôi trồng thủy sản và chất lượng nước sinh hoạt của người dân.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhận định, biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ đến sản xuất và đời sống, trong khi yêu cầu của phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ngày càng cao. Để giải quyết những vấn đề này, đòi hỏi phải nâng cao tính chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy trong công tác quản lý thủy lợi. Theo đó, thực hiện các giải pháp đồng bộ về thể chế, xây dựng nguồn nhân lực và thúc đẩy cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh xã hội hóa và ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác dự báo, phân tích cũng như quản lý CTTL.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, yếu kém hiện nay xuất phát từ nguyên nhân ngành thủy lợi đang hoạt động theo cơ chế hành chính bao cấp. Do vậy, để nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống CTTL đáp ứng mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tái cơ cấu ngành phải chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Trong đó, cốt lõi phải huy động được người dân và DN tham gia đầu tư xây dựng và quản lý CTTL theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Có như vậy mới phát huy tối đa hiệu quả và kéo dài tuổi thọ của CTTL, đồng thời nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm của người dân.