Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thuyên chuyển nếu không có chứng chỉ

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng 90% học viên có mặt tại buổi khai giảng lớp đào tạo CNTT do Trung tâm Đào tạo CNTT & Truyền thông thuộc Sở TT&TT Hà Nội chủ trì tổ chức sáng 6/7 tại huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Con số này được xem là vượt mong đợi vì trước đó, tỷ lệ đi học ở các huyện khác rất thấp, chỉ 50 - 60% học viên.

Theo Báo cáo của Sở TT&TT Hà Nội, từ ngày 1/1 - 31/5/2016, Hà Nội đã triển khai các lớp đào tạo CNTT tại 12 quận và 4 huyện. Đáng chú ý, tỷ lệ học viên đi học tại các lớp này trung bình chỉ đạt 50%, trong đó có những quận có tỷ lệ học viên đi học rất thấp (quận Hoàng Mai: 15%; Tây Hồ: 32%; Đống Đa: 36%; Hà Đông: 38%...). Ở các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất, Mê Linh dù vẫn đang triển khai song tính thời điểm 31/5 thì tỷ lệ học viên đi học cũng không cao: Mỹ Đức có 22%, Chương Mỹ 51%, Thanh Oai 55%... “Nguyên nhân là cán bộ công chức các quận, huyện này vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý hành chính"– ông Vũ Lộc An - Giám đốc Trung tâm Đào tạo CNTT & Truyền thông Hà Nội giải thích.

Có mặt tại buổi khai giảng lớp đào tạo CNTT dành cho cán bộ công chức, viên chức huyện Đan Phượng từ sáng sớm ngày 6/7, ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng Công an xã Hồng Hà cho biết, chủ trương tổ chức lớp học CNTT là cần thiết. Tuy nhiên, Phó Trưởng Công an xã Trung Châu Đỗ Văn Toàn cho biết: "Hiện công an xã Trung Châu có 23 người nhưng chỉ có duy nhất một máy vi tính nên chúng tôi phải dùng chung, nhiều khi thức khuya để làm vì thiếu máy".

Ghi nhận tại buổi khai giảng lớp đào tạo CNTT ngày 6/7 tại huyện Đan Phượng cho thấy, tổng số học viên có mặt là 26/30, chiếm gần 90%. Được biết, lớp đào tạo này được triển khai ngay sau khi Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý ký ban hành công văn số 3718/UBND-KGVX chấn chỉnh việc tham gia đào tạo CNTT trên địa bàn TP. Công văn chỉ đạo Sở TT&TT Hà Nội “tổng hợp danh sách các học viên đã đăng ký nhưng không tham gia khóa học, không đảm bảo thời gian học, đạt kết quả dưới trung bình gửi về UBND các quận, huyện, thị xã hoặc Sở GD&ĐT để xem xét. Coi đây là một tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức”. Đặc biệt, “học viên không đủ điều kiện thi, không được cấp chứng chỉ cuối khóa phải tham gia đào tạo lại, tự chịu kinh phí”; Các đơn vị “xem xét bố trí công tác khác đối với cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, không có chứng chỉ khóa học do TP tổ chức”…