Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiền đề cho Việt Nam bảo vệ chủ quyền chính đáng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều tháng làm việc nghiêm túc, theo đúng quy trình, trình tự thủ tục, thẩm quyền theo quy định chung, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay của Hà Lan hôm 12/7 đã ra phán quyết bác bỏ quyền lịch sử mà Trung Quốc nêu ra trong phạm vi của “đường chín đoạn” vô lý mà Trung Quốc nêu ra trong thời gian qua.

Thắng lợi lịch sử

Cộng đồng quốc tế nhận định, phán quyết của PCA là một thắng lợi lịch sử cho những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và sẽ làm xói mòn những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Trong phán quyết dày khoảng 500 trang, PCA đã đưa ra các lập luận sắc sảo, bác bỏ cơ sở pháp lý của “đường chín đoạn” mà Trung Quốc đã “rêu rao” thời gian qua. Theo đó, Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường chín đoạn”.
Người dân Philippines ăn mừng sau khi PCA công bố phán quyết bác bỏ “đường chín đoạn” của Trung Quốc.
Người dân Philippines ăn mừng sau khi PCA công bố phán quyết bác bỏ “đường chín đoạn” của Trung Quốc.
Theo PCA, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Mischief (Vành Khăn) hay bãi Thomas (Cỏ Mây). PCA cũng khẳng định thực thể Itu Aba (Ba Bình) thuộc quần đảo Trường Sa là "bãi đá" nên không có vùng đặc quyền kinh tế. Điều đáng nói, đây là lần đầu tiên PCA đưa ra Bộ quy chế rõ ràng đối với các cấu trúc trên biển: Thế nào là đảo, thế nào là đá, thế nào các bãi nửa nổi nửa chìm. Đây là cơ sở quan trọng để sau này các nước tiến hành phân định biển hay các hoạt động khác liên quan đến pháp lý biển. Ngoài ra, phán quyết của PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough (Hoàng Nham) trên Biển Đông. Theo PCA, những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc đang các bên nỗ lực để giải quyết vấn đề.

Bước ngoặt trong lĩnh vực pháp lý

Dư luận quốc tế đã đồng loạt ủng hộ phán quyết được nhận định là bước tiến lớn của nhân loại trong lĩnh vực pháp lý này và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố khẳng định phán quyết của PCA là “đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình” cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Chính quyền Washington “hy vọng và mong muốn” các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với phán quyết. Đồng thời hối thúc “tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tránh những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích” sau khi PCA ra phán quyết này.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon kêu gọi các bên có tranh chấp tại Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế và bày tỏ hy vọng rằng việc tham vấn đang tiếp diễn về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc dựa trên Tuyên bố về cách hành xử của các bên tại Biển Đông (DOC) sẽ dẫn tới sự gia tăng hiểu biết lẫn nhau giữa các bên có tranh chấp tại Biển Đông.

Cơ hội và thách thức

Nhận định về tình hình khu vực và thế giới sau phán quyết của PCA, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan cho rằng, phán quyết của PCA vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông.

Trên thực tế, Bắc Kinh đã liên tiếp có các tuyên bố làm leo thang căng thẳng tại khu vực Biển Đông. Những tuyên bố và hành động của Trung Quốc đã tạo ra thách thức chưa từng có cho sự ổn định, hòa bình, thịnh vượng tại khu vực. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngang ngược tuyên bố, nước này có quyền thiết lập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) đối với lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - ông Thôi Thiên Khải lại lớn tiếng tuyên bố, phán quyết của PCA sẽ làm gia tăng xung đột.

Tuy nhiên, việc cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh phải tuân thủ phán quyết của PCA và các nội dung tương đồng của phán quyết với Tuyên bố mà Chính phủ Việt Nam đưa ra ngày 5/12/2014 là cơ hội để Việt Nam bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông. Trong đó, Tuyên bố của Chính phủ và phán quyết của PCA đều bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên “đường chín đoạn”. Trong phán quyết của PCA cũng chứng minh quan điểm: 8 cấu trúc được Philippines đề cập cụ thể trong vụ kiện chỉ là những bãi nửa nổi nửa chìm theo Điều 13 UNCLOS hoặc là đá theo Điều 121 khoản 3 của UNCLOS và chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý mà Việt Nam đưa ra là đúng đắn. Rõ ràng, dựa trên nội dung phán quyết của PCA, Việt Nam sẽ có tuyên bố, hành động phù hợp để bảo vệ tốt nhất lập trường cũng như chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông, bảo vệ và duy trì được hòa bình ổn định ở khu vực.
TS Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ:

Chìa khóa mở cánh cửa cho giải quyết tranh chấp

Bản chất phán quyết của PCA là không làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông mà điều này phụ thuộc vào tính toán chiến lược của Trung Quốc nhằm “khống chế” Biển Đông và cạnh tranh vị thế với Mỹ. Việc Trung Quốc có động thái phản đối và không công nhận phán quyết đã được tiên liệu trước, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, cần có lộ trình từ phán quyết của PCA đến lúc Trung Quốc có thể thay đổi lập trường, từ đó tác động tích cực tới thực trạng tranh chấp trên Biển Đông. Hơn nữa, chưa có cơ chế buộc các đối tượng phải tuân thủ theo phán quyết của PCA, mà chỉ kêu gọi trách nhiệm nghĩa vụ của các nước thành viên UNCLOS, Trong trường hợp một quốc gia không chịu thi hành theo phán quyết, Hội đồng Bảo an LHQ có khả năng can thiệp. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là một trong 5 thành viên Hội đồng này và có quyền phủ quyết nếu vụ việc được trình lên. 

Phán quyết vừa qua của PCA không giải quyết hoàn toàn các vấn đề trên Biển Đông. Tuy nhiên, với vai trò là phán quyết đầu tiên trong khu vực, đây là phép thử ban đầu của việc áp dụng luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp khu vực, là chìa khóa mở cánh cửa cho các bên giải quyết tranh chấp. 

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội:

Cần chính sách phát triển kinh tế tại các đảo

Phán quyết của Tòa PCA rất công bằng, minh bạch, theo đúng luật pháp quốc tế và nhận được sự đồng tình, hoan nghênh của dư luận thế giới. Với Việt Nam, Chính phủ và Nhân dân ta tôn trọng phán quyết cũng như luật pháp quốc tế, đồng thời luôn giữ một thái độ hòa hoãn. Về những bước đi của Việt Nam trong thời gian tới, tôi cho rằng, Chính phủ cần có nghiên cứu sâu về phán quyết PCA trong lợi ích đối với nước ta. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng cần có nhận thức đúng đắn để tuyên truyền những đường lối tốt để củng cố thêm niềm tin về chủ quyền biển đảo cho Nhân dân ta. Thông qua phán quyết PCA, Chính phủ cần đưa ra những chính sách để xây dựng, đầu tư, phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ tốt các đảo thuộc chủ quyền nước ta. Quan trọng hơn cả là trách nhiệm chủ động phối hợp với các nước trong khu vực, bảo vệ an ninh, giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển trên Biển Đông.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an:

Cú hích với nhận thức chung trong ASEAN

Theo tôi, phán quyết có giá trị to lớn vì đây là cơ sở pháp lý mới hoàn toàn, tạo điều kiện cho các nước trong khu vực có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải và lợi ích chính đáng của quốc gia.

Về các bước tiếp theo, tôi cho rằng, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta về Biển Đông là đúng đắn. Chúng ta cần tận dụng tính tích cực của phán quyết để tiếp tục đối thoại hòa bình với Trung Quốc, đảm bảo quyền lợi hợp pháp trên biển. Trong phạm vi khu vực, phán quyết này sẽ tạo nên một cú hích đối với nhận thức chung trong cộng đồng ASEAN.