Tiền Giang: Nạo vét hơn 60km kênh rạch trữ nước phòng chống hạn mặn

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND tỉnh Tiền Giang vừa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Nạo vét kênh, rạch để trữ nước ngọt phòng, chống hạn mặn” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang làm chủ đầu tư.

Theo đó, dự án sẽ thực hiện nạo vét 10 tuyến kênh, rạch ở các địa phương phía Đông của tỉnh Tiền Giang, gồm huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, huyện Chợ Gạo và thị xã Gò Công.

Cụ thể, là các kênh cấp I, gồm kênh Hóc Lựu và tuyến nhánh; kênh Cộng Đồng - rạch Đào và tuyến nhánh; kênh Tổng Châu- Hội Đồng Huyền; kênh Rạch Lá; rạch Kiến; rạch Lá; rạch Hưu và tuyến nhánh; rạch Đung; rạch Rầm Vé; rạch Gò Gừa và tuyến nhánh.

Tổng chiều dài các tuyến kênh, rạch nạo vét là hơn 60km, với khối lượng vật chất nạo vét là trên 1 triệu m3…

Trước đó, trong Chỉ thị số 13/CT-UBND về phòng chống hạn, mặn và cháy rừng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh này cho biết, tình hình xâm nhập mặn (XNM) trong mùa khô năm 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra sớm hơn trung bình nhiều năm.

Dự báo tháng 1 và tháng 2/2022, ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập sâu 45-50km; tháng 3/2022, tùy thuộc vào lượng nước điều tiết từ các hồ chứa thượng nguồn sông Mekong mà xâm nhập mặn có thể giảm hoặc duy trì như tháng 02/2022; đề phòng XNM trên sông Hàm Luông lấn qua sông Tiền khu vực cù lao Ngũ Hiệp, dự báo độ mặn cao nhất ở khu vực phía Nam cù lao Ngũ Hiệp ở mức xấp xỉ 1g/l xuất hiện vào nửa cuối tháng 3/2022, tương đương năm 2020-2021.

Một con kênh kiệt nước vào mùa khô ở Gò Công Đông, Tiền Giang (Ảnh: Giang Lam).

Do đó, XNM trong mùa khô năm 2021 - 2022 sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 ở các huyện, thị phía Đông và diện tích vườn cây ăn trái ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh. Đặc biệt, gây tình trạng thiếu nước ngọt làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Để chủ động phòng chống hạn, XNM, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh và chủ động phòng chống cháy rừng trong mùa khô năm 2022 trên địa bàn tỉnh được kịp thời, hiệu quả, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các ngành và địa phương tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến toàn thể nhân dân về diễn biến phức tạp của thời tiết để chủ động ứng phó với tinh thần tích cực, khẩn trương, cảnh giác cao, nhất là diễn biến của tình hình hạn, XNM.

Thường xuyên theo dõi diễn biến hạn, mặn; đặc biệt theo dõi chặt chẽ hướng XNM từ phía sông Vàm Cỏ Tây và sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre); thông báo tình hình diễn biến mặn, mực nước và vận hành công trình hàng ngày để nhân dân biết chủ động sản xuất.

Tổ chức kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, lập kế hoạch duy tu sửa chữa nâng cấp các công trình ngăn mặn, dẫn và trữ ngọt; bảo trì, bảo dưỡng các giếng khoan dự phòng phục vụ sản xuất để sẵn sàng vận hành khi có tình huống xấu xảy ra; rà soát những khu vực có khả năng thiếu nước, hạn hán, mặn xâm nhập trên địa bàn để chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống hạn, mặn xâm nhập, bảo vệ sản xuất…