Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiền lương giảm trên phạm vi toàn cầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, mức tăng lương thực tế trên toàn cầu đã giảm đáng kể trong năm 2008, do hậu quả của khủng hoảng kinh tế, và dự kiến sẽ giảm mạnh hơn nữa trong năm nay, bất chấp những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế.

KTĐT - Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, mức tăng lương thực tế trên toàn cầu đã giảm đáng kể trong năm 2008, do hậu quả của khủng hoảng kinh tế, và dự kiến sẽ giảm mạnh hơn nữa trong năm nay, bất chấp những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế. 
 
“Báo cáo tiền lương toàn cầu: Cập nhật 2009” (Global Wage Report: 2009 Update) cho biết, trong 53 quốc gia mà số liệu có sẵn, mức tăng lương thực tế trung bình ở các nước có thu nhập trung bình đã giảm từ 4,3% trong năm 2008. Trong 10 nước thuộc Nhóm G-20, mức tăng lương thực tế trung bình ở các nước có thu nhập trung bình đã giảm từ 1% năm 2007 xuống (âm) - 0,2% trong năm 2008. Báo cáo cho rằng, tình hình tiền lương có nhiều khả năng sẽ tồi tệ hơn trong năm 2009, bất chấp những dấu hiệu cho thấy kinh tế đang phục hồi. Báo cáo cho biết, một nửa trong 35 quốc gia có số liệu cập nhật cho thấy, tiền lương thực tế hàng tháng của người lao động đã giảm trong hai quý đầu năm nay, so với năm 2008, chủ yếu do cắt giảm giờ làm việc. 

ILO cho biết, cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển đều tăng mức lương tối thiểu trong những năm gần đây, nhằm làm dịu mối lo ngại về tình trạng bất bình đẳng và tiền lương thấp. Nhiều nước đã tăng lương tối thiểu ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế hiện nay. Trong năm 2008, một nửa trong 86 quốc gia được cập nhật, trong đó có những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản và Brazil, đã tăng lương tối thiểu cao hơn mức lạm phát.

Báo cáo của ILO lưu ý rằng, tiền lương của người lao động chỉ được tăng ở mức khiêm tốn trong suốt một thập kỷ trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Lương tăng chậm trong nhiều năm so với năng suất lao động, cùng với tình trạng bất bình đẳng gia tăng, đã góp phần làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng hiện nay, do nó hạn chế khả năng chi tiêu của các gia đình. Do đó việc gắn liền năng suất lao động với tiền lương là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong ổn định kinh tế-xã hội. ILO cho rằng, các công ty cần gia tăng sức cạnh tranh thông qua nâng cao năng suất lao động, hơn là cắt giảm chi phí lao động và người lao động phải được quyền thương lượng về tiền lương của mình.  

Báo cáo nói trên được đưa ra thảo luận tại phiên họp của Ban giám đốc ILO tại Geneva, từ ngày 5 đến 20/11.  

Giám đốc Chương trình Việc làm và điều kiện làm việc của ILO Manuela Tomei, một trong những tác giả chính của báo cáo, cho rằng tiền lương thực tế tiếp tục giảm xuống trên phạm vi toàn cầu đang đặt ra câu hỏi rất nghiêm túc về mức độ phục hồi thực tế của nền kinh tế, nhất là khi chương trình kích thích kinh tế của các chính phủ kết thúc. Bà cho rằng, tiền lương giảm đang tác động tới tiêu dùng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của người tiêu dùng, những nhân tố vô cùng cần thiết trong giai đoạn phục hồi kinh tế.