Hướng tới nền kinh tế phi tiền mặtTết này, khi mua sắm, chị Nguyễn Thanh Hương (Đống Đa, Hà Nội) có thói quen search trên mạng để biết được các chương trình khuyến mại, vừa không mất thời gian phải đi lại, vừa có được sự so sánh lựa chọn tốt nhất. Vừa nói, chị Hương mở màn hình Ipad với ngập tràn các khuyến mại: “Thiết bị nhà bếp Malocar ưu đãi mua sắm cho chủ thẻ Techcombank”, “Cần gì đi xa, ngồi nhà mua hàng online cùng Vinmart”, “Mua sắm trả góp 0% bằng thẻ tín dụng Tết 2019”, “Ưu đãi khi thanh toán vé tàu tết bằng QR Pay trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking”… Bên cạnh đó là các chương trình hoàn tiền không giới hạn với mức hoàn 1 - 2% khi sử dụng thẻ ngân hàng để mua sắm tại tất cả hệ thống đơn vị kinh doanh toàn quốc.
Tính đến cuối năm 2018, NHNN đã cấp 26 giấy phép cho các công ty hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như: Napas, MoMo, Airpay, Payoo, VNPT Pay, Mobi Vi, Bảo Kim, Vimo, Moca, Ngân lượng, Viettel Pay, ZaloPay... |
Không riêng chị Hương, nhiều người Việt trẻ hiện nay chuộng việc mua sắm, thanh toán bằng thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã code QR… để được hưởng nhiều hơn các chương trình ưu đãi, khuyến mại. Thanh toán không dùng tiền mặt, nền tảng để xây dựng thành phố thông minh đang dần trở thành xu thế phát triển tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Ông Manoj Sugathan - đại diện Tập đoàn Visa đánh giá, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang có nhiều cơ hội để có thể bước từ ngưỡng dùng nhiều tiền mặt sang ít dùng tiền mặt và tiến tới “thanh toán không chạm” (không cần quẹt thẻ).
Đồng tình với quan điểm này Vụ trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cũng cho hay, Chính phủ và Hà Nội đang có các kế hoạch nhiều tham vọng về thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện, hạ tầng thanh toán của ngành ngân hàng đã sẵn sàng. Vấn đề là cần chính sách đồng bộ kết nối giữa các ngành dịch vụ để kết nối thanh toán.
Một trong những khó khăn của thanh toán không dùng tiền mặt là thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Hà Nội cũng không là một ngoại lệ. Vì vậy, các chuyên gia cho ý kiến, Hà Nội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách hiệu quả hơn để người dân hiểu và thay đổi thói quen. Bên cạnh đó, xây dựng hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt thuận lợi hơn cũng là yếu tố quan trọng để người dân thấy rõ lợi ích của hình thức thanh toán “nói không với tiền mặt” này.
Ngoài ra, Hà Nội cần tạo điều kiện hơn nữa để các ngân hàng, đơn vị thanh toán có không gian phát triển, tăng cường tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt, phối hợp với ngân hàng và các tổ chức thanh toán xây dựng hệ sinh thái không dùng tiền mặt.
Phát triển thanh toán thông minh và ngân hàng sốÔng Phạm Quang Đệ - Phó Giám đốc LienVietPostBank, Giám đốc Khối Ngân hàng số cho biết, khi Thành phố thông minh đã kết nối ở mức cao, các dịch vụ và dữ liệu công dân được số hóa và có thể được giao dịch trực tuyến thì tiền mặt sẽ được loại bỏ dần, thay thế bằng các giao dịch kỹ thuật số. Thành phố thông minh sở hữu lượng dữ liệu khổng lồ, đặc biệt về giao dịch và hành chính của công dân. Dữ liệu lớn này sẽ là đầu mối cho hệ thống chấm điểm tín dụng thế hệ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Theo đó, với việc ứng dụng công nghệ Big data, các thành phố thông minh sẽ sở hữu lượng dữ liệu khổng lồ, đặc biệt về giao dịch và hành chính của công dân. Dữ liệu lớn này sau đó sẽ là đầu mối cho hệ thống chấm điểm tín dụng thế hệ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Chia sẻ thêm về định hướng phát triển hướng tới mô hình thanh toán trực tuyến thông minh, đại diện LienVietPostBank cho biết sẽ triển khai giải pháp thẻ công dân điện tử đa năng, tích hợp vai trò của thẻ ngân hàng, thẻ thanh toán, thẻ sinh viên, thẻ công chức Nhà nước. “Qua đó, tất cả các thông tin người dân từ bảo hiểm đến điện nước, sức khỏe... sẽ được tích hợp vào một chiếc thẻ duy nhất” - ông Đệ cho hay.
Tại các cuộc Hội thảo bàn về thành phố thông minh, các đại biểu cũng cho rằng, viễn cảnh của thanh toán không chạm, ứng dụng hệ thống thẻ trên điện thoại, trên vé, đi ngang qua có thể trừ được tiền, ứng dụng trên điện thoại, taxi... là mục tiêu mà nhiều tổ chức phát hành thẻ cũng như các địa phương đang hướng tới.
Đại diện Tập đoàn Visa tin tưởng, tương lai của các giao dịch tiền tệ sẽ là công nghệ thanh toán không chạm và các ứng dụng thanh toán trên điện thoại, ứng dụng hệ thống thẻ trên vé... Khi đó, người dân có thể giao dịch đơn giản, dễ dàng hơn, nhất là trong các giao dịch hành chính giữa công dân và chính quyền, thanh toán các dịch vụ như y tế, giáo dục, giao thông công cộng...
Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là hành lang pháp lý vẫn chưa thực sự đầy đủ và tạo điều kiện kiến tạo các dịch vụ thanh toán số, thanh toán ngân hàng để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Theo ông Bùi Quang Tiên - đại diện ngân hàng BIDV, tại một số nước trên thế giới, họ có lộ trình quản lý các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán điện tử từ mức 30 - 70% đến 100%, tạo điều kiện cho hệ sinh thái này phát triển.