Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiên Sa đã xong sứ mệnh, Đà Nẵng nên khởi công ngay cảng Liên Chiểu

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo bàn về phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn TP Đà Nẵng diễn ra mới đây, hầu hết các ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước đều không ủng hộ đề xuất mở rộng cảng Tiên Sa thay vì xây dựng cảng Liên Chiểu do tư vấn Singapore đề xuất.

Chuyên gia Singapore trình bày ý tưởng phát triển cảng biển Đà Nẵng.
Cảng Liên Chiểu đã nằm trong quy hoạch của Chính phủ
Tại hội thảo, chuyên gia đến từ đơn vị tư vấn Surbana Jurong (Singapore) đưa ra đề xuất phát triển cảng Tiên Sa, thay vì xây cảng Đà Nẵng. Phương án mà Surbana Jurong nêu ra là mở rộng cảng Tiên Sa, khi đó cảng này có cả chức năng Logistics và du lịch.
Phản biện tại hội thảo, ông Takaasi Shinraku, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, giải phóng mặt bằng là vấn đề khi phát triển cảng Tiên Sa, vì mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, vùng Tiên Sa hiện nay rất hẹp.
“Quy trình pháp lý cảng Liên Chiểu đã nằm trong quy hoạch chung của Trung ương, nếu thay đổi lại cần xem xét rất kỹ mới thay đổi được quy hoạch, rồi trình lên Thủ tướng phê duyệt.
Đồng thời, đường nối vận chuyển hàng từ cảng Tiên Sa đến 2020 đã lên 10 triệu tấn/năm, cảng Tiên Sa công suất tối đa 12 triệu tấn/ năm, vài năm nữa hết công suất lại phải thay đổi quy hoạch rất mất thời gian”, ông Takaasi Shinraku nói.
Ông Nguyễn Minh Khang - Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng Đường thủy trình bày ý kiến tại hội thảo.

Ông Nguyễn Minh Khang - Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng Đường thủy (TediPort) cho biết: Cảng Đà Năng đã được quy hoạch trong hệ thống cảng biển Việt Nam là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1, cấp độ quan trọng).
Cảng Đà Nẵng được quy hoạch hình thành cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực miền Trung là loại 1A. Trong quy hoạch của Chính phủ thì phía Bắc là cảng Hải Phòng (1A), đầu phía Nam là cảng Vũng Tàu (1A) hiện đang hoạt động. Chỉ có cảng Đà Nẵng được quy hoạch là cảng 1A.
Khi hình thành cảng 1A thì phải xây dựng cảng đủ lớn để cho tàu 100.000 tấn trở lên, tàu container từ 6.000 – 8.000 TEU; có quy mô thu hút về lượng hàng đủ lớn, dự báo đến 2030 cảng Đà Nẵng sẽ thu hút khoảng 28 triệu tấn hàng; kết nối hạ tầng đảm bảo về đường sắt, đường bộ.
“Nếu chọn mở rộng cảng Tiên Sa lên quy mô cảng 1A để đón tàu 100.000 tấn thì vẫn phải nạo vét đến độ sâu 16m và càng ngày càng lấn vào bên trong. Điều này cũng gây áp lực lên giao thông nội đô, bởi nâng cấp cảng thì không chỉ có hàng hóa mà còn có hàng chục nghìn lao động, phương tiện giao thông cá nhân”, ông Khang nói.
Tiên Sa đã xong sứ mệnh, nên khởi công ngay cảng Liên Chiểu
Ông Nguyễn Hữu Sia - nguyên Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng nói, cảng Tiên Sa do người Mỹ xây dựng khoảng vào năm 1965, đến bây giờ sứ mệnh đã xong rồi. “Không làm cảng Liên Chiểu là quá uổng! Tư vấn Nhật Bản đã thiết kế một Hành lang kinh tế Đông Tây, đã trao trong tay Đà Nẵng điểm cuối hành lang nhưng bây giờ bỏ thì đây là vấn đề mà TP phải xem lại”, ông Sia thắng thắn.
 Ông Nguyễn Hữu Sia - nguyên Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng, cho rằng cảng Tiên Sa đã xong sứ mệnh, Đà Nẵng nên khởi công ngay cảng Liên Chiểu.
Định hướng phát triển của Đà Nẵng dựa vào 3 trụ cột: Du lịch, Công nghiệp và Công nghệ cao, Kinh tế biển. “Muốn giàu thì phải làm dịch vụ Logistics. Du lịch có làm giỏi lắm cũng chỉ đóng góp 10 - 15% GDP của TP, chỉ là hình thức. Logistics kéo theo bức tranh kinh tế rất tốt, hội nhập rất nhanh mà không tốn quá nhiều tiền, chỉ cần đất và nhân lực tốt.
Ông Sia thông tin thêm: Hải quan trong năm 2018 thu nhờ cảng biển Đà Nẵng khoảng 2.800 tỷ. Năm nay, cảng Đà Nẵng có thể thu cao hơn. Từ năm 2019 trở đi, hàng hóa trên Hành lang kinh tế Đông Tây đã nâng cao sản lượng container qua cảng.
“Tóm lại nên khởi công cảng Liên Chiểu ngay từ bây giờ, để đến năm 2025 có thể chuyển hàng từ cảng Tiên Sa. Từ nay đến 2025 cảng Tiên Sa nên giữ sản lượng và nên chốt hàng container, hạn chế hàng tổng hợp kết hợp tàu khách để trở thành một cảng xanh, còn lại để cho cảng Liên Chiểu”, ông Sia bày tỏ quan điểm.
Nhiều chuyên gia cho rằng mở rộng cảng Tiên Sa là không phù hợp. 
Quan ngại về quốc phòng, an ninh
Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng công trình Hàng Hải - ông Lê Tấn Đạt cho rằng: Phương án phát triển cảng Tiên Sa gồm 14 bến, tổng chiều dài khoảng 5,8km đường bờ. Toàn bộ phạm vi này bao trùm vùng đất, vùng nước quốc phòng hiện là căn cứ của Vùng 3 Hải quân, của Kiểm ngư, của Công ty Sông Thu, Trung Tâm ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang…
“Với quy mô đề xuất trên, trong trường hợp ưu tiên dành toàn bộ 5,8km đường bờ này để phát triển cảng hàng hóa thì mới đáp ứng được hàng thông quan vào khoảng 27,9 triệu tấn đến năm 2030 như dự báo. Như vậy, chúng tôi quan ngại quy mô cảng này không đáp ứng được mục tiêu về đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo, an ninh năng lượng, trật tự an toàn xã hội, du lịch…”, ông Đạt bày tỏ quan ngại.
Cũng theo ông Đạt, khu vực phát triển cảng có diện tích nhỏ, hiện nay không thể mở rộng, không có quỹ đất để bố trí hậu phương cho các dịch vụ Logistics sau cảng. Nếu tích hợp tất cả các mục tiêu vào một khu bến Tiên Sa thì e rằng chưa đáp ứng được về quy mô đảm bảo mục tiêu phát triển cả cảng hàng hóa, cảng du lịch, cảng quốc phòng, năng lượng và thủy sản.
Chuyên gia cảng biển Nguyễn Minh Quý chỉ ra điểm yếu của cảng Tiên Sa.
Có 20 năm làm việc ở cảng Tiên Sa, ông Nguyễn Minh Quý - Chuyên gia Cảng biển (Công ty tư vấn Japan Part Consultant - JPC) chia sẻ: Điểm yếu chết người của cảng Tiên Sa là vào mùa mưa sa bồi tại cảng rất lớn, bùn rất loảng. Cho nên bây giờ chúng ta tính đến việc nâng cấp từ 40, 50 ngàn tấn lên 100 ngàn tấn thực sự rất băn khoăn, vì chi phí khai thác nó có thể đánh sập triển vọng cái cảng. Vì thế, nếu nâng cấp cảng Tiên Sa thì đây là yếu tố kỹ thuật không thể bỏ qua.
“Sớm hay muộn cũng phải dùng cảng Liên Chiểu! Đà Nẵng không thể nào dừng lại ở cảng Tiên Sa với mức 40 triệu tấn/năm”, ông Quý nói.
Theo chuyên gia Singapore, Cảng Tiên Sa có vị trí tốt hơn vì nằm dưới chân bán đảo Sơn Trà, tránh làm hỏng môi trường của vịnh Đà Nẵng. Nếu phát triển cảng Liên Chiểu, chuyên gia Singapore cho rằng cảng Liên Chiểu trở thành cảng chính cho hàng hóa va Logistics; còn cảng Tiên Sa sẽ bổ sung cho cảng Liên Chiểu cho logistics, chủ yếu cho du lịch. 
Nếu phát triển cảng Liên Chiểu sẽ tác động tiềm năng trên vịnh Đà Nẵng vì việc đầu tư xây dựng sẽ phải nạo vét, khơi thông luồng, xây dựng đê chắn sóng… Các hoạt động này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của các loài động vật thủy sinh, nguy cơ làm suy giảm đa dạng sinh học, mất nguồn lợi khai thác, nuôi trồng thủy hải sản.
Bên cạnh đó là gia tăng nguy cơ ô nhiễm do trong quá trình hoạt động nếu xảy ra sự cố tràn dầu, phát tán chất thải vào nguồn nước sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm vùng vịnh Đà Nẵng, ngược lên phía thượng nguồn sông Cu Đê, Hòa Bắc, Hòa Ninh. 
Một lo ngại khác theo tư vấn Singapore là tác động đến hoạt động du lịch vì việc hình thành cảng Liên Chiểu sẽ kéo một lượng lớn tàu thuyền ra vào khu vực, các phương tiện vận chuyển hàng hóa đến và đi, các khu hậu cần phục vụ cảng… Điều này có thể gây ra những tác động xấu về du lịch khu vực này.
Ngoài ra, việc hình thành cảng nước sâu bắt buộc phải đầu tư gồm cơ sở hạ tầng, đường sá, bến bãi. Công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ tác động đến đời sống người dân nằm trong phạm vi giải tỏa.
Hoạt động của các phương tiện có trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa đến và đi, cùng với việc tập trung một lượng người lớn đến làm việc sẽ gia tăng nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, ảnh hướng đến sống sinh hoạt của người dân.